Có lần khi bàn về chuyện đốt vàng mã ở Việt Nam, người anh của tôi, công tác tại một trường đại học, đưa ra nhận xét khá chua: “Khi cha mẹ còn sống thì có đứa con chí hiếu, có đứa con bất hiếu; nhưng khi cha mẹ chết đi rồi thì dường như ai cũng thành hiếu tử cả. Thậm chí nếu lấy số lượng vàng bạc, tiền của, tài sản bằng giấy đốt xuống làm tiêu chí thì đôi khi có hiếu nhất lại là những kẻ hắt hủi, thờ ơ với bố mẹ sinh thời”.
Chắc rằng rất nhiều người trong chúng ta từng thấy những ví dụ cho nghịch lý trên ở thực tế xung quanh mình. Đến mùa Vu lan, nhìn không biết cơ man nào là nhà xe, trang sức, đồ dùng xa xỉ… được đốt xuống cõi âm, người đời lại xì xào mách nhau nhiều sự thật về cái gọi là hiếu tâm được thể hiện bằng giấy ấy.
Có những người khi cha mẹ còn sống thì để thiếu thốn đủ đường, ăn uống thế nào chẳng thèm để ý, ốm đau không quan tâm, buồn vui mặc kệ… Nhưng khi các cụ khuất núi thì rằm tháng 7 nào họ cũng cực kỳ chu đáo, tỉ mỉ khi sắm đồ mã, tự hào là “trang bị đến tận răng, không để cụ thua kém ai bất cứ thứ gì”.
Ước tính mỗi năm, người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, đặc biệt là dịp Vu lan và cuối năm, đầu năm Âm lịch. (Ảnh: Công Hiếu) |
Có người ra sức cấm đoán người cha góa bụa của mình đi bước nữa hay có bà bạn già để an ủi lẫn nhau, nói với cha những câu khắc nghiệt như “già rồi còn ham hố, không nên nết”. Nhưng sau khi cụ qua đời, năm nào “hiếu tử” đó cũng đốt mấy hình nộm mỹ nữ “để xuống đó bầu bạn với ông cho vui”.
Có những gia đình mà suốt nhiều năm trời, mấy đứa con đua nhau dày vò bố mẹ về chuyện chia tài sản, hoặc tị nạnh nhau chuyện góp tiền phụng dưỡng. Khi bố mẹ không còn, họ lại đua nhau thể hiện sự hiếu thảo bằng những bộ vàng mã cầu kỳ và cồng kềnh, cực kỳ phô trương.
Để làm gì? Để thể hiện với đời, ganh đua hơn kém, hay khoe khoang về sự báo hiếu (nhiều người quên mất là mình từng rất tệ với cha mẹ, nên không hề xấu hổ mà còn vênh vang tự đắc). Để “bù đắp” cho sự thờ ơ với bố mẹ trước kia, mong có cảm giác được thứ lỗi, được yên tâm hay thanh thản trong tâm hồn. Chuộc lỗi bằng cách đốt giấy thì quá dễ, nên người ta rất xông xênh.
Nhưng nếu thật tâm hối tiếc về những gì mình đã làm với cha mẹ và những gì mình chưa kịp làm cho họ, mỗi dịp tháng Bảy, đứa con hẳn phải đau khổ khi ngẫm về ý nghĩa của bông hồng cài áo ngày Vu lan, để thấy rằng lúc này, dù có đốt cả thế giới xa hoa bằng giấy cũng là vô nghĩa.
“Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa đỏ sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa”.
Không kịp đâu! Vì vậy đừng đợi đến lễ Vu lan, những ai còn đấng sinh thành hãy luôn cài một bông hồng đỏ trong tim mình để ngay chiều nay bỏ qua bữa nhậu hay buổi shopping với bạn bè mà về ăn cơm với cha mẹ.
Mỗi tối, hãy dành thời gian trò chuyện với họ. Đừng thở dài sốt ruột khi nghe mãi những chuyện ngày xưa. Đừng cáu khi người cha già cả của bạn cứ dặn đi dặn lại mãi một thứ, hay vẫn thắc mắc về một điều mà bạn đã trả lời cả chục lần… bởi sẽ có một ngày, bạn muốn nghe những lời “lẩm cẩm” đó cũng không còn cơ hội nữa.
Khi cha mẹ còn sống không hiếu thuận, cha mẹ mất đi rồi thì đốt lắm vàng mã cũng chỉ khiến thiên hạ chê cười. Không phải tôi vơ đũa cả nắm cho rằng có hiếu thì không đốt vàng mã, mà muốn nói rằng giấy chỉ là giấy mà thôi. Hiếu tâm nếu chỉ thể hiện bằng giấy thì cũng là một thứ đồ hàng mã không hơn không kém.
Tác giả: LÂM NGỌC
Nguồn tin: Báo VTC