Thế giới

Khi Indonesia trở thành 'cái nôi' của chân rết IS

Liên tục trong hai ngày, ba nhà thờ và một trụ sở cảnh sát tại Surabaya, Indonesia bị tấn công bởi hai gia đình đánh bom liều chết và được "truyền cảm hứng" từ IS.

6 thành viên của một gia đình, bao gồm ông Dita Priyanto, một chỉ huy thuộc mạng lưới cực đoan Jamaah Ansharut Daulah (JAD) và vợ, Puji Kuswati cùng 4 người con đã tấn công nhằm vào các nhà thờ khiến 11 người thiệt mạng hôm 13/5. Sau đó một ngày, một gia đình 5 người đã lái xe gắn máy mang bom đâm vào trụ sở cảnh sát tại Surabaya. Cơ quan điều tra cho rằng những gia đình này nằm trong mạng lưới các tổ chức có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Indonesia là một trong số những quốc gia ở Đông Nam Á thường xuyên bị các tổ chức cam kết trung thành với IS tấn công trong vài năm gần đây.

Cảnh sát Indonesia đã công bố hình ảnh gia đình 6 người gây ra vụ tấn công hôm 13/5. Ảnh: Handout.

Đầu năm 2016, một chuỗi các vụ đánh bom và nổ súng đã diễn ra tại thủ đô Jakarta, làm 4 dân thường và 4 kẻ tấn công thiệt mạng. Đây là vụ khủng bố đầu tiên trong khu vực có mối liên hệ trực tiếp với IS khi những kẻ chủ mưu và thực hiện là thành viên của lực lượng vũ trang JAD, từng cam kết trung thành với IS.

Kể từ đó, IS liên tục mở rộng tầm ảnh hưởng khắp khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất.

Tham vọng 'lập tỉnh' cho IS

IS bắt đầu chiến dịch tuyên truyền của mình sau vụ tấn công năm 2016. Tổ chức này sử dụng hình ảnh của người Indonesia để đe dọa chính quyền, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục tấn công.

Năm 2017, tướng Gatot Nurmantyo, tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Indonesia, cho rằng IS đã "vươn tay" của mình đến mọi tỉnh thành trên quốc gia hơn 260 triệu dân. Hơn 30 tổ chức tại Indonesia đã tuyên bố trung thành với IS và từng nhiều lần lên tiếng thể hiện tham vọng thành lập một tỉnh chính thức của IS tại khu vực Đông Nam Á.

Lực lượng hiện tại của những tổ chức khủng bố trên là người mới được truyền bá tư tưởng từ Internet hoặc người đã đi theo chủ nghĩa cực đoan từ trước, nhưng có ít mối liên hệ với lực lượng cũ. Nhóm người này quyết định tách nhóm riêng sau khi nhận thấy các thành viên cũ quá rụt rè trong việc "ra tay" khủng bố. Họ hoạt động ngầm nhằm trốn tránh sự theo dõi sát sao từ cảnh sát.

Cùng lúc đó, hàng trăm người Indonesia được cho là đã rời bỏ đất nước để chiến đấu cho IS tại Syria và Iraq.

Hiện trường vụ đánh bom tự sát bằng xe gắn máy tại nhà thờ Santa Maria hôm 13/5. Ảnh: AP.

Trong khi nhiều lãnh đạo cực đoan đã bị giết hoặc bắt giữ, các mầm mống khủng bố được truyền cảm hứng bởi IS vẫn tồn tại ở Indonesia và tiếp tục trở thành hiểm họa cho khu vực.

Aman Abdurrahman, thủ lĩnh của JAD, là người đã góp công lớn trong việc truyền bà tư tưởng cực đoan tại Indonesia dù bị giam cầm trong một nhà tù tại đất nước này suốt 12 năm qua. Tên này đang bị xét xử vì tội xúi giục các "tay chân" thực hiện hành vi khủng bố trong khi bị giam giữ. Nhà tù giam giữ ông được miêu tả là lò sản sinh nhiều phần tử IS chuyên nghiệp.

Khi nhà tù không ngăn được tư tưởng cực đoan

Năm 2002, lực lượng vũ trang có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda đã cho nổ hai quả bom bên ngoài một hộp đêm tại Bali khiến 202 người thiệt mạng.

Sau vụ tấn công khủng bố được cho là thảm khốc nhất tại Indonesia, chính quyền đã tuyên bố trừng trị thẳng tay các tổ chức cực đoan bằng nhiều vụ bắt giữ và các chương trình cấp tiến nhằm thay đổi tư tưởng của người dân. Các chiến binh được thả sau khi chịu án tù cũng được tạo công ăn việc làm.

Từ năm 2002, chính quyền Indonesia đã bắt giữ khoảng 800 chiến binh cực đoan.

Cảnh sát Indonesia bên ngoài hiện trường vụ tấn công tại thủ đô Jakarta năm 2016. Ảnh: Getty.

Cảnh sát được cho là đã ngăn chặn thành công một số vụ tấn công trong quá trình giám sát một số cá nhân cực đoan. Tuy nhiên, việc kiểm soát những người được thả sau khi chịu án tù không mang lại nhiều kết quả. Các chiến binh này thường quay trở lại giúp đỡ các lực lượng mới hoạt động.

Từ năm 2002, có khoảng 11 vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Indonesia được cho là có liên quan các nhóm cực đoan. Năm 2004, một chiếc xe phát nổ, giết chết 9 người và làm bị thương hơn 180 người. Một năm sau đó, ba kẻ đánh bom liều chết đã lao vào các nhà hàng tại Bali đã khiến 23 người thiệt mạng. Tháng 1/2016, một vụ nổ bom và tấn công bằng súng tại thủ đô Jakarta giết chết hai dân thường và 5 kẻ tấn công, đồng thời làm nhiều người bị thương.

Tác giả: Chi Mai

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP