Kinh tế

Khó khăn chưa từng có, Vietnam Airlines chính thức âm vốn chủ sở hữu

Do tác động nặng nề của dịch Covid-19, Vietnam Airlines rơi vào thua lỗ triền miên và rất khó khăn. Lỗ lũy kế đến hết tháng 6 đã vượt 17.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II cho thấy tình trạng thua lỗ gia tăng ở hãng hàng không quốc gia trong bối cảnh bị tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Bên cạnh tình hình thua lỗ, Vietnam Airlines còn đối mặt với áp lực thanh khoản khi nợ ngắn hạn gấp 5 lần tài sản ngắn hạn.

Điều chỉnh lỗ quý I?

Cụ thể, trong quý II, doanh thu thuần Vietnam Airlines ghi nhận tăng 9% so với cùng kỳ lên 6.537 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng mạnh hơn 13% lên 10.034 tỷ đồng. Do hoạt động dưới giá vốn nên Vietnam Airlines bị lỗ gộp 3.497 tỷ đồng, mức lỗ tăng hơn 22% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, hãng hàng không quốc gia còn ghi nhận thêm khoản lỗ hơn 41 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết (con số này trong cùng kỳ là trên 95 tỷ đồng).

Sau khi khấu trừ chi phí bán hàng là 311 tỷ đồng (giảm 47%) và chi phí quản lý doanh nghiệp 454 tỷ đồng (tăng 76% so với cùng kỳ), Vietnam Airlines lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 4.471 tỷ đồng (tăng lỗ hơn 33% so với cùng kỳ).

Nếu quý II/2020, Vietnam Airlines có 382 tỷ đồng lợi nhuận khác thì đến quý II năm nay, con số này giảm còn hơn 5 tỷ đồng.

Kết quả, mức thua lỗ trước thuế của Vietnam Airlines trong quý II lên tới 4.466 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế là 4.528 tỷ đồng và lỗ ròng thuộc về công mẹ là 4.449 tỷ đồng.

Trước đó, theo ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Vietnam Airlines thì hãng hàng không này đã lỗ sau thuế 4.975 tỷ đồng (lỗ ròng thuộc về công ty mẹ 4.890 tỷ đồng).

Như vậy, cộng lỗ hai quý đầu năm, lẽ ra Vietnam Airlines lỗ tổng cộng 9.503 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II, hãng lại ghi nhận tổng lỗ sau thuế trong nửa đầu năm là 8.585 tỷ đồng (lỗ sau thuế của công ty mẹ là 8.421 tỷ đồng). Mức chênh lệch này không được Vietnam Airlines nêu tại báo cáo giải trình. Có thể phỏng đoán rằng con số lỗ của quý I đã được điều chỉnh.

Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 6 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phát triển doanh nghiệp, cơ quan này ước tính, trong nửa đầu năm 2021, Vietnam Airlines có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng.

Âm vốn chủ sở hữu

Đáng chú ý, với tình hình thua lỗ triền miên, đến thời điểm 30/6, hãng hàng không quốc gia đã chính thức âm vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại thời điểm nói trên âm 2.750 tỷ đồng (con số này hồi đầu năm vẫn còn là con số dương, đạt 6.072 tỷ đồng). Lỗ lũy kế tại ngày 30/6 đã lên tới 17.771 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, áp lực thanh khoản của Vietnam Airlines cũng tăng lên đáng kể khi nợ ngắn hạn ngày càng vượt xa giá trị tài sản ngắn hạn (nợ ngắn hạn gấp 5 lần tài sản ngắn hạn).

Cụ thể, tại ngày 30/6, tổng giá trị tài sản ngắn hạn của Vietnam Airlines là 8.199 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn đã là 42.826 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã tăng hơn 10.000 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng.

Trong báo cáo giải trình, Vietnam Airlines cho hay, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II của tổng công ty này giảm mạnh so với cùng kỳ ngoài nguyên nhân liên quan đến giảm lợi nhuận công ty mẹ còn do lợi nhuận sau thuế của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vaeco, Nasco…

Để tháo gỡ khó khăn, vào hồi đầu tháng 7, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.

Theo Vietnam Airlines, giải pháp cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines.

Hiện tại, công ty đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN điều chỉnh giảm 1,86% trong phiên 31/8 xuống còn 21.100 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu HVN tăng 3,43% trong vòng một tuần qua nhưng vẫn giảm hơn 18% so với 3 tháng trước.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP