Tin trong tỉnh

Khoa khám tự nguyện Bệnh viện Sản nhi 10 năm nhưng chưa xác định được loại hình hoạt động

Khoa Khám bệnh tự nguyện hoạt động độc lập, có tài khoản con dấu riêng nhưng chưa rõ loại hình hoạt động theo hình thức doanh nghiệp hay sự nghiệp có thu.

Sáng 1/8, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc làm việc với Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 (Nghị quyết số 18) của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Dự cuộc làm việc có các Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền; Trần Văn Mão, cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Lê Thanh

Bất cập, vướng mắc trong thực hiện

Phản ánh bất cập, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 18, Bệnh viện Sản Nhi cho biết: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 triển khai cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển cơ sở khám, chữa bệnh, tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tình trạng quá tải của bệnh viện, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu. Bệnh viện có khoa khám bệnh hoạt động 10 năm nay tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng nên gặp khó khăn,…

Đoàn giám sát kiểm tra cơ sở vật chất Bệnh viện sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Lê Thanh

Bác sỹ Nguyễn Văn Tư - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Bệnh viện triển khai Phòng Khám tự nguyện 10 năm nay nhưng còn lúng túng trong hoạt động. Khoa Khám bệnh tự nguyện hoạt động độc lập, có tài khoản con dấu riêng nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của loại hình, hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp thì chưa rõ ràng còn theo hình thức hoạt động doanh nghiệp lại càng không đúng.

Bên cạnh đó, bệnh viện tự chủ nhóm 2 (đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên). Do đó, đơn vị đã thực hiện đầu tư trang thiết bị từ nguồn xã hội hóa thông qua hình thức góp vốn cổ đông là cán bộ viên chức, đặt máy nhằm huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

"Tuy nhiên, hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện xã hội hóa còn nhiều bất cập, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 151 của Chính phủ về quản lý tài sản công" - bác sỹ Nguyễn Văn Tư phản ánh.

Công khai, minh bạch hạch toán nguồn thu

Thảo luận tại cuộc làm việc, ý kiến các thành viên đoàn giám sát đề nghị Bệnh viện Sản Nhi làm rõ liên quan đến các nội dung như: Sử dụng con người, hạch toán tài chính ở Khoa Khám bệnh tự nguyện; công khai, minh bạch với bệnh nhân các khoản thu thêm ngoài BHYT; tổ chức bộ máy đào tạo nhân lực; đánh giá hài lòng của người bệnh đối với nhân viên y tế; tự chủ về tài chính; công khai phụ thu sử dụng thiết bị xã hội hóa;...

Phòng chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt của Bệnh viện Sản Nhi. Ảnh: Lê Thanh

Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền mong muốn Bệnh viện Sản Nhi có lộ trình đạt chuẩn bệnh viện hạng 1; tiếp tục quan tâm đến cơ chế tự chủ; làm tốt công tác xã hội hóa. Cùng với thực hiện các giải pháp tăng nguồn thu, bệnh viện cần minh bạch, công khai, dân chủ hoạch toán nguồn thu.

Cùng đó, bệnh viện tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như y đức cho đội ngũ cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế; nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân,...

Liên quan đến các kiến nghị của Bệnh viện, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.

Tác giả: Lê Thanh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP