Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An gây chú ý khi phát đi công văn yêu cầu một số đơn vị trong ngành “tạo điều kiện thuận lợi” cho Công ty Cổ phần Sách và Phát triển Giáo dục Nghệ An (Công ty Giáo dục Nghệ An) cung cấp sách Giáo khoa và các sản phẩm giáo dục thuộc bộ sách Cánh Diều trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau khi đơn vị này được Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) ủy quyền.
Thực tế cho thấy, Sách và Phát triển giáo dục Nghệ An vẫn thua lỗ triền miên. Cụ thể, năm 2022 và năm 2023 là giai đoạn mà Công ty Giáo dục Nghệ An được “tạo điều kiện” phân phối cấp sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục thuộc bộ sách Cánh Diều trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thế nhưng, trong 2 năm này, Sách và Phát triển giáo dục Nghệ An đã thua lỗ hơn 139 triệu đồng, bất chấp doanh thu tăng mạnh.
Nguồn vốn được tài trợ bởi “nợ”
Theo báo cáo tài chính năm 2023, nợ phải trả của Sách và Phát triển giáo dục Nghệ An là 18,5 tỷ đồng, giảm 2,7 tỷ đồng, tương đương giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nợ phải trả tại doanh nghiệp cao gấp 133 lần so với vốn chủ sở hữu. Đồng thời, tại ngày 31/12/2023 nợ phải trả củaSách và Phát triển giáo dục Nghệ An chiếm 99,5% tổng nguồn vốn công ty. Con số này tại thời điểm năm 2022 cũng lên tới 98,6%. Có thể thấy, nguồn vốn của Sách và Phát triển giáo dục Nghệ Anchủ yếu được tài trợ bởi nợ.
Nợ phải trả chiếm hơn 99% trên tổng nguồn vốn |
Trong cơ cấu nợ của Sách và Phát triển giáo dục Nghệ An, phải trả người bán là chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63,2%, tương đương 11,7 tỷ đồng. Con số này hồi cuối năm 2022 là 8,5 tỷ đồng.
Đứng sau chỉ tiêu phải trả người bán là vay và nợ thuê tài chính với gần 6,8 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng, tương đương 46,9% so với cuối năm trước.
Dù có nợ vay tài chính lớn khi đạt 6,8 tỷ đồng (năm 2023) và 12,8 tỷ đồng (năm 2022) nhưng Công ty Giáo dục Nghệ An lại gây bất ngờ khi chi phí lãi vay trong cả 2 năm đều được xác định là 0 đồng.
Không rõ Sách Nghệ An mua hàng hóa từ đối tác nào, chỉ biết rằng VEPIC đã ủy quyền cho Sách và Phát triển giáo dục Nghệ An cung cấp sách Giáo khoa và các sản phẩm giáo dục thuộc bộ sách Cánh Diều trên địa bàn tỉnh Nghệ An nên có thể hiểu VEPIC cũng là đối tác của công ty này.
Tiềm lực VEPIC, đối tác của Sách và Phát triển giáo dục Nghệ An
Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) được biết đến là đơn vị sản xuất bộ sách giáo khoa Cánh Diều được thành lập từ ngày 27/7/2016. Doanh nghiệp có vốn điều lệ ban đầu của công ty là 34,56 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông lớn ban đầu gồm 3 cổ đông tổ chức chính là: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (SED) nắm 34,72% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (DAD) nắm 17,36%vốn điều lệ; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (EID) nắm 34,72% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, VEPIC đã thực hiện việc tăng vốn điều lệ lên thành 108,7 tỷ đồng.
Tại lần tăng vốn điều lệ này, nguồn vốn góp thêm là của ai? Số thực góp ra sao? Và cơ cấu cổ đông được thay đổi như thế nào không được tiết lộ.
Sau thời điểm tăng vốn điều lệ, vào đầu 2017, người đại diện của VEPIC cũng đã được chuyển từ ông Lê Thành Anh sang cho ông Ngô Trần Ái.
Được biết, ông Ngô Trần Ái, sinh năm 1951, từng giữ chức vụ Giám đốc của NXB Giáo Dục Việt Nam từ năm 1999, Tổng giám đốc của NXB Giáo Dục Việt Nam từ tháng 7/2003 đến tháng 6/2014, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Hội đồng quản trị NXB Giáo Dục Việt Nam từ tháng 7/2003 đến tháng 3/2015, Cố vấn cao cấp Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo làm SGK mới NXB Giáo Dục Việt Nam từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016.
Trong năm 2016, VEPIC đã được thành lập từ vốn của 3 công ty con thuộc NXB Giáo Dục Việt Nam và ông Ngô Trần Ái nắm vị trí Chủ tịch HĐQT của VEPIC kể từ đó đến nay.
Nhìn lại lịch sử làm ăn của VEPIC, năm 2022 Công ty ghi nhận đạt được tăng gần gấp đôi so với năm trước đó. Cụ thể, năm 2021, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty này đạt 317 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cũng bắt đầu tăng vọt lên 188 tỷ đồng. Còn lợi nhuận trong năm này là trên 22 tỷ đồng.
Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt lớn trong kết quả kinh doanh của VEPIC, chỉ sau một thời gian rất ngắn doanh nghiệp tham gia làm sách giáo khoa.
Cụ thể, vào cuối năm 2019, bộ sách giáo khoa Cánh Diều chính thức ra mắt. Cánh Diều là sản phẩm hợp tác xuất bản của VEPIC với 2 đơn vị khác, gồm Nhà xuất bản Sư phạm (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh).
Trước khi làm sách giáo khoa Cánh Diều, kết quả kinh doanh của VEPIC kém khả quan, nếu không muốn nói là “bết bát”.
Năm 2017, công ty lỗ hơn 1,8 tỷ đồng. Năm 2018 doanh nghiệp ghi nhận số lỗ hơn 10,3 tỷ đồng. Và một năm sau, con số tiếp tục gia tăng khi mức lỗ là 14,4 tỷ đồng.
Doanh thu của các năm này cũng rất thấp. Năm 2017-2019 doanh thu chỉ “vỏn vẹn” 4-6 tỷ đồng mỗi năm.
Như vậy, so với giai đoạn 2017-2019, thì năm 2022, doanh thu của VEPIC đã tăng tới 100 lần.
Tác giả: Hà Giang
Nguồn tin: vietnamfinance.vn