|
Được thành lập năm 1950, Hạm đội 2 từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đối đối đầu với Liên Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh. Khu vực tài phán bao gồm bờ biển phía đông nước Mỹ, vành đai Bắc Cực, eo biển Bering và các vùng duyên hải Na Uy và Nga.
Năm 2011 với lý do tinh giản biên chế và cắt giảm chi phí quốc phòng, Hạm đội 2 chính thức bị giải thể, 126 tàu chiến, 4.500 máy bay và gần 90.000 nhân viên được chuyển về Bộ tư lệnh lực lượng Hạm đội, địa bàn hoạt động của Hạm đội 2 được bàn giao cho Hạm đội 4 và Hạm đội 6 tiếp quản. Sau khi Hạm đội 2 giải thể, Mỹ chủ yếu duy trì ảnh hưởng hàng hải ở khu vực Đại Tây Dương, Châu Phi và Địa Trung Hải bằng lực lượng của Hạm đội 6.
Tờ "Stars and Stripes" của Mỹ cho rằng, khôi phục Hạm đội 2 là một phần trong chiến lược quốc phòng mới của tổng thống Trump, tập trung nhiều hơn vào các đối thủ cạnh tranh thay vì chủ nghĩa khủng bố. Hạm đội 2 mới sẽ quản lý mọi hoạt động của tàu thuyền, máy bay và lực lượng đổ bộ ở khu vực bờ biển phía đông Mỹ và Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên một số chi tiết vẫn chưa được tiết lộ, như quân số, phạm vi tuần tra và phân chia khu vực đảm nhiệm với Hạm đội 6, cũng như mối quan hệ với Bộ tư lệnh Hải quân NATO. Thời chiến tranh lạnh, chỉ huy Hạm đội 2 đồng thời cũng là chỉ huy Hạm đội Đại Tây Dương của NATO.
Tạp chí “Politics” của Mỹ nhận định rằng, khôi phục Hạm đội 2 rõ ràng là một động thái tích cực nhằm đối phó với Nga. Theo chiến lược quốc phòng mới được Bộ trưởng quốc phòng James Mattis công bố hồi đầu năm nay, Lầu Năm Góc sẽ chuyển từ tập trung chống khủng bố sang cạnh tranh cường quốc.
Tờ tạp chí này dẫn lời cựu đô đốc Williams cho biết: “Kế hoạch chuyển hướng này do Mattis đề xướng, ông ta đề xuất một chiến lược phòng thủ chuyển trọng tâm nhằm vào các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Mỹ. Do vậy Hạm đội 2 mới được tái thành lập”. Williams cũng nói thêm: “Kể từ sau sự kiện 11/9, nhiều ưu tiên cho việc giải quyết vấn đề khủng bố, hải tặc và các chiến dịch quân sự hỗ trợ Trung Đông. Sự trở lại của Hạm đội 2 là dành cho tương lai”.
Tác giả: Đỗ Trọng Phương
Nguồn tin: Báo Người lao động