Ảnh minh họa (nguồn: kontum.gov.vn) |
Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 1370/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) Khu du lịch sinh thái Kon Tu Rằng, huyện Kon Plông, với diện tích 1.000 ha.
Theo quy hoạch, vùng Trung tâm được xem là vùng lõi, vị trí nằm tại khu vực thôn Kon Tu Rằng. Nơi đây sẽ tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch chủ yếu của Khu du lịch sinh thái Kon Tu Rằng: Du lịch văn hóa; du lịch tham quan, du lịch trải nghiệm; Khai thác triệt để quỹ đất dọc tuyến đường liên khu vực để tạo lập các không gian dịch vụ du lịch, không gian công cộng; Tôn tạo, bảo tồn làng văn hóa du lịch Kon Tu Rằng theo mô hình truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường để tạo sự hấp dẫn du lịch.
Vùng phía Bắc sẽ hình thành trung tâm du lịch dã ngoại, du lịch rừng, du lịch văn hóa tâm linh, vị trí trải dài hai bên trục đường liên khu vực. Định hướng phát triển là: Tôn tạo, bảo tồn các khu rừng, rừng thông để khai thác kinh doanh du lịch trong rừng (dã ngoại, khám phá…); có xây dựng các khu lều trại trong rừng, xây dựng điểm du lịch văn hóa tâm linh; hình thành các khu rừng để chăn thả động vật hoang dã hoặc nuôi thú để tổ chức du lịch săn bắt thú hoặc tham quan; Tổ chức vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi và ẩm thực tại vị trí trên trục đường chính khu vực, kết nối với trục liên khu vực và tuyến đường đối ngoại ĐH 34; Quy hoạch Hồ cảnh quan vừa tạo không gian mặt nước – rừng, vừa phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp.
Vùng phía Nam được xem như cửa ngõ của Khu du lịch sinh thái Kon Tu Rằng. Vị trí tại khu vực ngã ba đường ĐH 34 và đường vào thôn Kon Tu Rằng 2, kết nối với bờ sông – bãi sông Đăk SNghé, với định hướng phát triển: Tổ chức các dịch vụ đón tiếp, hướng dẫn, mua sắm của khu du lịch sinh thái Kon Tu Rằng cùng các hoạt động vui chơi giải trí trong nhà; Ga đón cáp treo; Tôn tạo bảo tồn làng văn hóa, thôn Kon Tu Rằng 2, gắn tổ chức du lịch trải nghiệm và phát triển nông nghiệp dưới tán rừng (trồng nấm, cây dược liệu…). Tổ chức điểm vui chơi giải trí và du lịch tham quan sông nước, rừng trên cơ sở khai thác không gian mặt nước sông Đăk SNghé và rừng tự nhiên hai bờ sông cùng với không gian sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp đến, vùng phía Tây và phần đất vùng trung tâm chủ yếu là khu vực Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum – Măng Đen sẽ để tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp du lịch tham quan.
Với mô hình phát triển Khu du lịch sinh thái Kon Tu Rằng dạng hỗn hợp với hạ tầng du lịch cơ bản nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng, đa đẳng cấp. Bên cạnh đó, đảm bảo khai thác và phát triển tối đa các tiềm năng sản phẩm du lịch sinh thái trên cơ sở kết nối các tour tham quan rừng nguyên sinh, sông, suối, thác nước theo tuyến với các tour du lịch tại làng Kon Tu Rằng, du lịch nông trại và các điểm du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng và ẩm thực, cùng các loại hình du lịch tham quan, du lịch cuối tuần…
Theo dự kiến đến năm 2030, Kon Tu Rằng sẽ trở thành Khu du lịch sinh thái hấp dẫn, giàu bản sắc, đa phong cách, đa đẳng cấp trong vùng du lịch sinh thái Măng Đen.
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: Báo Tổ quốc