Giáo dục

Kỳ thi vào lớp 10 ở Nghệ An: Tìm cách 'hạ nhiệt' cho trường thành phố

Năm 2024, Nghệ An tăng khoảng 7.200 học sinh lớp 9, riêng TP Vinh tăng hơn 800 em.

Nhiều học sinh Trường THCS Nghi Ân (TP Vinh, Nghệ An) định hướng phân luồng hoặc chuyển hướng thi về trường huyện để giảm áp lực. Ảnh: Ngọc Sơn

Trong khi đó, TP Vinh chỉ có 3 trường THPT công lập, dẫn đến thiệt thòi cho học sinh khi chịu áp lực cạnh tranh vào lớp 10 công lập.

Học sinh “chạy đua” ôn thi

Trong đợt kiểm tra giữa học kỳ II, Nguyễn Linh Chi - học sinh lớp 9, Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh) đạt 9 điểm Toán, 8,5 điểm môn Ngữ văn, 8,5 điểm môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, Linh Chi chưa bằng lòng với kết quả này, thậm chí tỏ ra lo lắng. Linh Chi dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và thi vào chuyên Toán, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

“Khóa của em là khóa cuối cùng học chương trình cũ dự thi tuyển sinh vào lớp 10, từ năm sau sẽ là kỳ thi dành cho Chương trình GDPT 2018 với kiến thức và phương thức thi khác. Vì vậy, nếu không đạt điểm như mong muốn, em sẽ trượt ngôi trường yêu thích”, nữ sinh chia sẻ.

Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 năm nay, ngoài học chính khóa, học thêm ở trường, mỗi tuần Linh Chi còn học thêm ở trung tâm 10 buổi/3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Trong đó, nhiều nhất là môn Toán - môn dự định thi chuyên.

Tương tự, Nguyễn Văn Quý - lớp 9C, Trường THCS Hà Huy Tập cho hay, từ đầu năm học đến nay ngày nào cũng làm đề, ôn tập. Dù đợt kiểm tra giữa kỳ, kết quả 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh đạt trung bình 8,5 điểm/môn nhưng em chưa tự tin. “Hiện mỗi tuần em học thêm ngoài từ 8 - 10 buổi, trong đó nhiều nhất là môn Tiếng Anh vì lần kiểm tra giữa kỳ mới chỉ đạt 8,2 điểm. Em cần nỗ lực, đạt điểm cao hơn để an toàn khi xét nguyện vọng 1 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng”, Quý nói.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Nghệ An những năm gần đây, điểm chuẩn các trường ở TP Vinh luôn cao và cách biệt xa so với trường huyện. Năm học 2023 - 2024, đầu vào trường tốp đầu của các huyện dao động từ 17 - 18 điểm thì 3 trường ở TP Vinh lần lượt là 22,6 điểm (THPT Hà Huy Tập), 22,7 điểm (THPT Lê Viết Thuật), cao nhất là THPT Huỳnh Thúc Kháng (25,35 điểm).

“Mức chênh lệch quá lớn khiến học sinh TP Vinh chịu nhiều thiệt thòi, áp lực trong việc tranh suất vào trường công lập. Ví dụ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng năm học trước lấy điểm chuẩn 25,35 thì học sinh đạt trung bình 8,45 điểm/môn thi mới trúng tuyển. Để đạt mục tiêu của mình, buộc các em phải học rất nhiều, ngoài học chính khóa ở trường, phải ôn thi thêm ở ngoài”, cô Hà Lê Hòa Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập chia sẻ.

Thậm chí nhiều học sinh phải cân nhắc lựa chọn đăng ký vào Trường THPT ở huyện lân cận. Nguyễn Thanh Ngọc - lớp 9C, Trường THCS Nghi Ân (TP Vinh) đã chuyển hướng dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (huyện Nghi Lộc) thay vì trường công lập trong thành phố.

“Với lực học của em khó chắc suất đỗ vào trường công lập thành phố. Nếu không trúng tuyển, em chỉ có thể học nguyện vọng 2 là trường ngoài công lập nhưng học phí lại quá cao so với điều kiện gia đình. Vì thế, em chọn đăng ký trường huyện, để vừa sức bản thân”, Thanh Ngọc chia sẻ.

Giờ học môn Toán của thầy trò Trường THCS Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Tăng lớp, thêm trường để giảm áp lực

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An năm học này, toàn tỉnh có gần 54 nghìn học sinh lớp 9, tăng khoảng 7.200 em so với năm học trước. Trong đó, TP Vinh, số học sinh lớp 9 là hơn 6 nghìn em, tăng hơn 800 so với năm học trước và cao gần gấp đôi so các huyện đông dân của Nghệ An như Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc. Tuy nhiên, nếu các huyện này có từ 4 - 5 trường THPT công lập thì tại TP Vinh chỉ có 3 trường với tỷ lệ trúng tuyển hàng năm từ 55 - 60%.

Trước thực tế trên, tỉnh Nghệ An đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 trong năm học 2024 - 2025. Ông Đào Công Lơi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, Sở đã hướng dẫn các trường THPT bố trí số học sinh/lớp tối thiểu là 45 em, những địa bàn có học sinh lớp 9 tăng đột biến sẽ tăng thêm lớp 10.

Riêng với TP Vinh, tăng thêm cho các trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Lê Viết Thuật, Hà Huy Tập, mỗi trường 3 lớp. Đồng thời giao thêm cho Trường phổ thông thực hành ĐH Vinh, Trường phổ thông thực hành Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, mỗi trường 3 lớp. Tức đã tăng thêm 15 lớp 10 công lập cho TP Vinh.

Sở cũng xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT công lập lân cận TP Vinh như ở Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Lý do những năm gần đây nhiều học sinh chuyển hướng thi về trường huyện lân cận vì điểm chuẩn nhẹ nhàng hơn nhưng lại gây áp lực cho học sinh tại đây khi phải cạnh tranh với các bạn thành phố.

Sở GD&ĐT đã xin chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An đồng ý mở phân hiệu 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đặt tại xã Nghi Ân (TP Vinh). Phân hiệu 2 dự kiến sẽ tuyển sinh 6 lớp, dành cho học sinh vùng ven đô như xã Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Phú, Nghi Liên…

Một phương án khác được Sở GD&ĐT Nghệ An tham mưu, đề xuất là khi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chuyển sang địa điểm mới, sở sẽ cùng TP Vinh đưa Trường THCS Đặng Thai Mai tiếp nhận cơ sở vật chất cũ. Đồng thời phát triển thành trường liên cấp THCS và THPT Đặng Thai Mai.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, tương lai gần, sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc vào TP Vinh, khi đó địa bàn sẽ có 6 trường THPT công lập. Sở sẽ chỉ đạo các trường THPT tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học trong điều kiện có thể để tăng chỉ tiêu học sinh. Đồng thời 2 trường THPT chuyên Phan Bội Châu và THPT chuyên ĐH Vinh sẽ tăng dần quy mô. Các trường THPT ngoài công lập có chất lượng tốt những năm qua cũng được giao thêm lớp để đáp ứng nhu cầu học sinh.

Về phía tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng thêm trường tư thục, tạo nhiều cơ hội học tập cho học sinh. Hiện Hệ thống TH School đã mở cơ sở TH School Vinh và dạy học, tuyển sinh khóa thứ 3.

Nhiều ý kiến đặt ra sao không mở thêm trường THPT công lập để giảm áp lực tuyển sinh lớp 10, đỡ thiệt thòi cho học sinh thành phố. Thông tin về vấn đề này, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, việc mở thêm, thành lập mới trường công lập hiện không triển khai được do thực hiện theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, phương án khả thi được đưa ra là phát triển các trường phổ thông liên cấp hoặc lập phân hiệu 2 các trường THPT công lập hiện có.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP