Một góc tộc người Đan Lai, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An hôm nay. |
Kỷ niệm lần đầu gặp Bác
Những ngày tháng 5, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), chúng tôi có dịp ghé thăm người con của dân tộc Đan Lai vinh dự lần đầu tiên được gặp Bác Hồ vào năm 1961. Đó là ông La Đình Thám (70 tuổi, trú ở bản Thái Sơn 1, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông).
Ông La Đình Thám chăm chút cẩn thận bức ảnh Bác Hồ. |
Tháng 12/1961, Bác Hồ về thăm quê và lên với đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Con Cuông. |
Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, tấm ảnh chụp chung cùng Bác Hồ, chiếc bình tông Bác tặng là những kỷ vật thời còn đi học ở Trường Sư phạm miền núi Nghệ An được ông Thám lưu giữ rất cẩn thận.
"Năm 1961, khi tôi đang học Trường Sư phạm miền núi Nghệ An thì Bác Hồ về thăm trường. Bác bước vào hội trường, tiếng vỗ tay hân hoan vang lên một hồi dài trong niềm xúc động. Sau đó, Bác ân cần nói chuyện với học sinh của trường, Bác đã gọi từng người lần lượt đứng dậy", ông Thám nhớ lại giây phút lần đầu được gặp Bác.
Chiếc bình tông Bác Hồ tặng là kỷ vật được ông Thám lưu giữ rất cẩn thận |
Đối với ông Thám, ký ức về lần được gặp Bác đong đầy cảm xúc thiêng liêng và những lời dặn dò của Người mãi khắc sâu trong tâm trí ông.
"Sao dân tộc Đan Lai chỉ có một mình cháu vậy? Sau này cháu phải cố gắng truyền đạt kiến thức làm sao để có nhiều người Đan Lai được đi học, nhất là các cháu gái nữa", ông Thám xúc động thuật lại lời hỏi thăm và lợi dặn dò ân cần của Bác khi đó.
Sau khi hỏi thăm, Bác Hồ tặng cho ông món quà là một chiếc bình tông và chụp hình lưu niệm. Ông nhớ lại: "Trong giây phút thiêng liêng đó, tôi là một trong 3 học sinh dân tộc thiểu số duy nhất của trường được Bác tặng quà, đó là một chiếc bình tông. Sau đó được Bác gọi lại chụp ảnh lưu niệm".
Luôn khắc ghi lời Bác dặn
Những ngày theo học tại Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, mỗi lần về quê ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông), ông Thám phải đi bộ nhiều ngày trời mới về đến nơi, nhưng điều đó không làm ông nản chí, chùn bước.
Những lúc rảnh rỗi, ông Thám lại kể cho con cháu nghe những câu chuyện về Bác Hồ. |
Ghi nhớ những lời dặn dò của Bác Hồ, tốt nghiệp ra trường, chàng thanh niên trẻ La Đình Thám xung phong đến những vùng xa, vùng khó khăn của huyện Con Cuông để mang con chữ truyền dạy cho các em học sinh nơi đây.
Năm 1963, ông Thám đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Châu Khê, huyện Con Cuông và giữ chức vụ hiệu trưởng.
Năm 1967, ông chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Môn Sơn 3 - nơi có tộc người Đan Lai sinh sống. Về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, thấy cảnh học sinh thất học, mù chữ đang hiện hữu hàng ngày, ông Thám lại đau đáu nhớ lời dặn dò của Bác.
Nhớ lại lời căn dặn của Bác, thầy La Đình Thám cùng với các thầy cô giáo vào tận rừng sâu, đến từng gia đình vận động các em nhỏ đến trường.
Những lời động viên, dặn dò của Bác ngày đó ông Thám vẫn luôn ghi nhớ: "Lần được gặp Bác, được nghe Bác động viên, thăm hỏi, căn dặn, tôi như có thêm động lực để phấn đấu, rèn luyện và cống hiến. Thực hiện lời dạy của Bác, tôi luôn cố gắng trong học tập đạt kết quả tốt nhất, để sau này khi ra trường có điều kiện chăm lo, yêu thương người dân mình hơn".
Những ước nguyện của ông Thám đã dần trở thành hiện thực trên mảnh đất quê hương của mình. Trải qua năm tháng, những người con Đan Lai đi học ngày một nhiều hơn, trưởng thành hơn...
Thầy Trần Thanh Tùng - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học 3, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chia sẻ về bậc tiền bối của mình: "Thầy La Đình Thám là người con của tộc người Đan Lai, đã có hơn 20 năm công tác tại Trường Tiểu học 3 Môn Sơn, trên cương vị Hiệu trưởng. Thầy luôn là người mẫu mực và đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà, đặc biệt đối với xã Môn Sơn. Từ tấm gương của thầy, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn nỗ lực noi gương đưa nhà trường ngày càng phát triển".
Những thế hệ học sinh tộc người Đan Lai ngày ấy, giờ đã trưởng thành, trong đó nhiều người đã trở thành thầy, cô giáo, một phần nhờ công lao dạy dỗ của thầy Thám.
Cuộc sống của người Đan Lai đang đổi thay từng ngày. Hầu hết con em tộc người Đan Lai nói riêng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện miền núi cao Con Cuông nói chung đều được đến trường. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp của thầy giáo La Đình Thám.
Nay tuổi đã cao, niềm vui lớn nhất của ông Thám là thấy các cháu học sinh của tộc người Đan Lai nói riêng, các dân tộc trên địa bàn huyện Con Cuông ngày một thành công trong học tập và cuộc sống.
Ông luôn giáo dục cho con cháu về truyền thống cách mạng, tấm lòng thành kính dành cho Bác, lời dạy của Người qua những câu chuyện về Bác và dạy con cháu "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn".
Tác giả: Nguyễn Duy - Bá Hậu
Nguồn tin: Báo Dân trí