Hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa đâm ô tô khiến 2 người tử vong ở H.Nghi Lộc, Nghệ An ngày 4.7.2017 / Ảnh: Phan Ngọc
Đường dân sinh thành đường dân... tử!
Một ngày sau vụ tàu hàng đâm xe bồn chở bê tông ở xã Diễn An (H.Diễn Châu, Nghệ An), ngày 28.5, ngành đường sắt đã quyết định cho dỡ các tấm đan bê tông lót đường ngang dân sinh này để hạn chế ô tô qua lại.
Ông Hoàng Xuân Quang, Phó phòng Kỹ thuật an toàn - Công ty MTV đường sắt Nghệ Tĩnh, cho biết đường ngang này được mở khoảng hơn 3 năm trước khi chính quyền địa phương thi công tuyến đường N2 để mở khu công nghiệp. Đến nay, hợp đồng hết hạn, gác chắn đã bỏ, ngành đường sắt đã cắm biển cấm ô tô qua lại, nhưng không có tác dụng nên công ty cho tháo dỡ. Trong khi ngành đường sắt đang cho dỡ các tấm đan, ông Nguyễn Văn Vinh (ngụ xã Diễn An) lo lắng cho biết, đây là tuyến đường có mật độ phương tiện qua lại khá nhiều. Theo ông Vinh, nếu tháo dỡ, người dân vẫn phải qua vì đi đường khác rất xa, nên có thể sẽ nguy hiểm hơn nếu bánh xe bị mắc kẹt trên đường ray.
Ghi nhận thực tế, các đường ngang dân sinh ở H.Nghi Lộc và TP.Vinh (Nghệ An) là nỗi ám ảnh của người dân, khi cướp đi sinh mạng của nhiều người. Điển hình như ngày 4.7.2017, xe 4 chỗ chở 4 người khi băng qua đường sắt đoạn QL1A rẽ vào xóm 4, xã Nghi Yên, H.Nghi Lộc thì tàu chở khách lao đến, đâm văng khiến 2 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương nặng. Chiều 4.2.2018, 2 thanh niên ngụ tại Hà Tĩnh đi trên 1 xe máy lưu thông trên QL1A và rẽ vào xã Nghi Trung, H.Nghi Lộc bị tàu khách SE2 đang chạy tốc độ nhanh lao tới và tông vào khiến chiếc xe máy văng xa, 1 người tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương nặng.
Báo cáo của Tổng công ty đường sắt VN (VNR) cho biết cả nước hiện có hơn 5.700 đường ngang giao cắt đồng mức, trong đó chỉ có 1.517 đường ngang hợp pháp do VNR quản lý, còn lại 4.211 là lối đi do dân tự mở trái phép. Theo thống kê, 80% tai nạn đường sắt đều xảy ra ở những đường ngang dân sinh như vậy.
Cùng ngày 28.5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đến kiểm tra trực tiếp việc khắc phục sự cố 2 tàu “đối đầu” trong sân ga Núi Thành, Quảng Nam (Thanh Niên đã thông tin) xảy ra chiều 26.5. Liên quan nhận định tai nạn xảy ra có nguyên nhân yếu kém, thiếu phối hợp của kíp trực ga Núi Thành, ông Thể cho rằng đây là lỗi do con người và khâu điều hành, quản lý của ngành, cần làm rõ và xử lý nghiêm. Mạnh Cường |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhận định việc để quá nhiều lối đi tự mở trái phép còn tồn tại như hiện nay trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương và bản thân ý thức của người dân, doanh nghiệp. Nhiều lối đi bị cưỡng chế đóng lại nhưng người dân lại phá rào, tiếp tục đi qua trái phép. Chính quyền địa phương trước khi cấp phép xây dựng cho bất kỳ công trình nào đáng ra phải đặc biệt chú ý đến đường tiếp cận công trình, có vi phạm đến an toàn giao thông đường sắt hay không?!
Đối với các khu vực nằm gần đường sắt, có tuyến đường bộ chạy song song với đường sắt, người dân có nhu cầu đi lại thì trong quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị... phải có đường gom, mở lối đường bộ hợp pháp. Khâu cấp phép lỏng lẻo, quản lý cũng không tới nơi tới chốn, chưa có biện pháp quyết liệt để xóa bỏ các lối đi tự mở trái phép này. “Ngay trong Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt cũng nêu rõ cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để xảy ra phát sinh lối đi tự mở trái phép từ sau ngày 1.6.2017”, ông nói.
Nhìn từ gốc rễ vấn đề, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng hiện tượng đường ngang dân sinh là quy luật không thể tránh khỏi. Kinh tế ngày càng phát triển, dân số đông nên nhu cầu đi lại ngày càng nhiều. Nếu nói một cách chính xác, ngành đường sắt đang lạc hậu, đang cản trở giao thông địa phương. “Nếu cần xây đường gom thì ngành đường sắt phải có trách nhiệm vì đây là giải quyết vấn đề an toàn của ngành. Lãnh đạo đầu ngành cần chịu trách nhiệm trực tiếp đối với bất cứ sự cố hay nguyên nhân dẫn đến sự cố liên quan đến đường sắt”, ông Liêm đề nghị.
Chiều tối 27.5, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có công điện yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan chức năng và Tổng công ty đường sắt VN phối hợp với địa phương khẩn trương điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm trong 4 vụ tai nạn liên tiếp vừa xảy ra. “Cần rà soát quy định pháp luật, quy trình, quy phạm về công tác tổ chức chạy tàu hiện có để điều chỉnh chặt chẽ hơn, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tai nạn đường sắt do chủ quan”, Phó thủ tướng yêu cầu. Chiều 28.5, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong ngành để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan sau khi 4 vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Về xử lý trách nhiệm, Bộ GTVT rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là Cục Đường sắt VN, Tổng công ty đường sắt VN triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian tới. Bộ cũng yêu cầu Tổng công ty đường sắt VN nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan các vụ tai nạn giao thông đường sắt nói trên. |
Tác giả: Thanh Niên
Nguồn tin: Báo Thanh niên