Kinh tế

Lại rộ dịch vụ đổi tiền lì xì trước Tết Nhâm Dần

Các điểm kinh doanh đổi tiền mới trực tiếp và online kiếm lời trái quy định đã bắt đầu hoạt động rầm rộ…

Nhanh chóng, kín kẽ

Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền lẻ, phóng viên tìm đến con phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - tụ điểm đổi tiền lẻ tại Hà Nội. Dù không hoạt động thành tổ đội, rầm rộ như những năm trước, nhưng chỉ cần hỏi thăm, nhiều hàng quán vỉa hè ở đây đều sẵn sàng đáp ứng. Tuy nhiên, họ chỉ đổi vài trăm nghìn đồng, không đổi số lượng lớn.

Chị Y chuẩn bị tiền để đổi cho khách

Được sự chỉ dẫn của người trông giữ xe lâu năm trên phố Đinh Lễ, phóng viên gặp chị Y - người hành nghề đổi tiền lâu năm, ngồi ở rìa cổng Bưu điện Hà Nội (đầu phố Đinh Lễ, cắt với đường Đinh Tiên Hoàng). Sau khi nghe chúng tôi muốn nói đổi tiền mới để mừng tuổi và đi lễ chùa với số lượng lớn, chị Y cho biết vừa đổi gần hết cho khách, chỉ còn ít tiền lẻ, hẹn chúng tôi quay lại vào sáng mai.

Việc đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để có phí... là hành vi trái pháp luật. Điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 20- 40 triệu đồng đối với cá nhân đổi tiền không đúng quy định của pháp luật; mức phạt với tổ chức gấp đôi mức phạt của cá nhân. Việc mua bán ngoại tệ không được cấp phép cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Như đã hẹn, 9h sáng hôm sau, chị Y xuất hiện tại địa chỉ cũ. Sau khi xác minh lại nhu cầu của khách, chị Y mới mở cốp xe máy. Trong cốp xe là những bọc tiền mới cứng với đủ mệnh giá. Chị Y nói rằng, tiền mới những năm gần đây khan hiếm nhưng nhu cầu thị trường cao, nên khách phải đặt trước. Chi phí đổi tiền chui ở mỗi nơi mỗi khác, phụ thuộc mệnh giá tờ tiền, độ mới, mã sê ri… Tuy tự nhận mình là nơi đổi tiền “ưu đãi” nhất, nhưng chị Y nhất quyết chỉ đổi với mức phí 10% cho tất cả các loại mệnh giá.

Rộn ràng chợ mạng

Chúng tôi liên hệ với một tài khoản mạng xã hội chuyên đổi tiền lẻ có tiếng ở Hà Nội. Chị N (phụ trách tài khoản này) cho biết, mọi loại tiền đều có sẵn, phí giao dịch tuỳ vào loại tiền đổi, trong đó tiền lẻ 1.000 - 2.000 đồng 20%, 5.000 đồng phí 12%, 10.000 - 50.000 phí 5%, 100.000 - 200.000 - 500.000 đồng phí 2- 4%. Người này cũng nhận giao hàng khắp Hà Nội.

2022 là năm Nhâm Dần nên trên mạng Internet tràn ngập hình ảnh tờ tiền liên quan hình tượng con hổ. Bộ tiền lì xì tết 2 USD năm nay có hình hổ mạ vàng có giá 150.000 - 200.000 đồng/tờ tùy điểm bán. Tiền Macao mệnh giá 100 Pataca và 10 Pataca với hình ảnh hổ được rao bán với giá 15.000 đồng/tờ, mua 10 tờ giá 150.000 đồng. Tiền xu hổ mạ vàng, bạc của Úc có giá 200.000 đồng/cặp… Các trang web chuyên đổi tiền, trang thương mại điện tử, hội nhóm trên mạng xã hội đều cung ứng mặt hàng này.

Việc mừng lễ, lì xì qua tài khoản đang dần trở thành trào lưu

Tuy trao đổi, mua bán thuận tiện hơn mua trực tiếp nhưng việc đổi tiền qua Internet tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chia sẻ với phóng viên, chị T.L (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Năm ngoái, tôi từng đổi tiền online qua mạng và bị hớ. Sau khi chuyển khoản 2% giá trị tiền đổi để đặt cọc, tôi đã được giao hàng đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi nhận cọc tiền, soi đèn laze kiểm tra lại tiền thì phát hiện ra 4 tờ 50.000 đồng là giả. Tôi có liên lạc lại với bên phía bán hàng nhưng họ không thừa nhận cũng không đồng ý đổi trả”.

Lì xì bằng chuyển khoản

Việc đổi tiền hiện nay thực hiện theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN (Quy định hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) của Ngân hàng Nhà nước. Theo Thông tư, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Đầu năm 2020, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho hay, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp Tết Nguyên đán, việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng.

Ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 35/CT-TTG về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Để tránh tình trạng mất phí khi đổi tiền, nhiều người đã lựa chọn phương án gửi tiền mừng, lì xì qua ví điện tử Momo, Shopee Pay hay các ngân hàng Agribank, MBBank, BIDV… Quá trình lì xì này chỉ cần có thiết bị thông minh và mất vài giây là có thể gửi đến tài khoản người nhận. Phương án này giúp giảm thiểu lượng rác thải từ vỏ bao lì xì ra môi trường. Đây là cách để phòng ngừa COVID-19, không cần gặp mặt vẫn có thể gửi tiền mừng.

Tác giả: Hương Giang

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP