Đẹp

Làm gì khi da bị cháy nắng?

Sau quãng đường dài trở về quê dưới thời tiết nắng gay gắt khiến làn da nhiều người bị ửng đỏ do cháy nắng. Làm gì để khắc phục tình trạng này?

TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết khi da phải tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời cường độ cao trong một khoảng thời gian quá dài, lớp biểu bì của da sẽ bị tổn thương, dẫn đến hiện tượng đỏ da, cháy nắng, bong tróc, nổi bóng nước…

Trường hợp nặng có thể gây bỏng độ 2, mất nước, nhiễm trùng, thậm chí lão hóa da, ung thư da và làm bùng phát các bệnh lý da do ánh nắng.

Nguyên nhân khiến da bị cháy nắng

Nhiều nguyên nhân khiến da bị cháy nắng trong dịp tết, trong đó quan trọng nhất là nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của chúng ta trong việc bảo vệ da dưới tác động của ánh nắng mặt trời.

Theo TS Thanh, trong những ngày Tết, nhịp sống trở nên hối hả hơn, sinh hoạt thất thường cùng nhiều buổi gặp gỡ, tiệc tùng buộc chúng ta phải ra ngoài và khiến làn da phải tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời. Thời gian này trong năm, thời tiết có vẻ mát mẻ nên nhiều người chủ quan, không che chắn, bảo vệ da trước khi đi ra ngoài.

Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời dài sẽ khiến làn da bị tổn thương. Ảnh: Shutterstock.

Đây là lúc tia UV dễ dàng tác động lên trên bề mặt da, khiến da sậm màu, mất nước, nặng hơn là cháy nắng, lão hóa da, ung thư da… Trên thực tế, có không ít người sau một thời gian dài giữ gìn da sáng đẹp lại phải than phiền vì sau 1-2 tuần chơi Tết, da trở nên cháy sạm và phải mất nhiều thời gian chăm sóc để có được làn da đẹp như ban đầu.

Cách “cấp cứu” cho da khi bị cháy nắng

Khi da bị cháy nắng, bạn cần ngưng ngay việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm dịu da bằng cách đắp mát, thoa các loại sữa dưỡng thể hoặc kem dưỡng ẩm làm dịu da, bù bằng đường uống nếu có mất nước nhẹ.

Nếu đỏ da, đau rát nhiều, bạn có thể sử dụng một số thuốc kháng viêm và giảm đau đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn như có dấu hiệu của bỏng nặng, da rộp nước nhiều hay có tình trạng mất nước nhiều, bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị.

Để phòng ngừa làn da bị cháy nắng, tốt nhất chị em nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong khoảng từ 10h đến 16h. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời, nên sử dụng áo dài tay, quần dài, nón rộng vành và đeo kính mát để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Không che chắn, không thoa kem chống nắng và dưỡng ẩm... khiến làn da bị cháy nắng, đen sạm và hư tổn nặng nếu kéo dài. Ảnh: TTXVN.

TS Thanh cũng lưu ý chị em nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, thoa lượng đủ dày ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài ngay cả khi trời mát. Thoa lại sau mỗi 2 tiếng hoặc sau khi tắm hay ra mồ hôi nhiều.

Nếu muốn có làn da căng mướt, tràn đầy sức sống suốt cả ngày dài, bước thoa kem dưỡng ẩm vào buổi sáng và tối là không thể bỏ qua. Thêm nữa, làn da không được cung cấp đủ độ ẩm sẽ làm cho hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, tạo cơ hội cho các yếu tố từ môi trường bên ngoài tác động xấu đến làn da.

Để giúp da khỏe mạnh từ bên trong, TS Thanh khuyến cáo chị em nên ngủ đủ 7-8 tiếng/ người, chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, hạn chế những thức ăn nhiều đường, bột, dầu mỡ và rượu bia; uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây; duy trì chế độ tập thể dục hàng ngày và các bước chăm sóc da như tẩy trang, rửa mặt, thoa kem dưỡng ẩm và thoa kem chống nắng đúng cách.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP