Phục vụ mùa cao điểm Tết, Vietjet Air tăng hơn 3.500 chuyến bay, trong đó hơn 77% bay nội địa |
Các hãng hàng không đã lên kế hoạch tăng cường hàng chục chiếc tàu bay và hàng nghìn chuyến phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2019. Tuy nhiên, để mua được vé, nhất là vé giá rẻ, hành khách cần đặc biệt lưu ý đặt vé sớm, đồng thời kiểm tra kỹ thông tin để tránh mua phải vé giả.
Tăng gần 6.000 chuyến bay
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Quốc Cường, Trưởng phòng Vận tải, Cục Hàng không VN cho biết dự báo giai đoạn cao điểm cuối năm 2018, đầu 2019, đặc biệt giai đoạn Tết Nguyên đán 2019, số lượng hành khách tăng khoảng 14% so cùng kỳ năm ngoái. Các hãng hàng không cũng xây dựng kế hoạch tăng chuyến cụ thể.
“Số lượng tàu bay đưa vào khai thác tăng hơn 20% so với lịch bay hiện tại”, ông Cường nói và cho biết cụ thể, tàu bay sẽ tăng 32 chiếc (từ 154 lên 186), trong đó Vietnam Airlines tăng 10 tàu bay (từ 88 lên 98), Vietjet tăng 19 tàu bay (từ 51 lên 70), và Jetstar Pacific tăng 3 tàu bay (từ 15 lên 18).
Cũng theo ông Cường, Vietnam Airlines sẽ tăng hơn 2.000 chuyến bay so cùng kỳ năm 2018, chuyến bay nội địa chiếm hơn 99% (chuyến bay chuyển sân chiếm gần 50%). Vietjet Air tăng hơn 3.500 chuyến bay, trong đó hơn 77% chuyến bay nội địa và Jetstar Pacific tăng gần 300 chuyến bay, trong đó hơn 90% chuyến bay nội địa.
Như thường lệ, tuyến có lượng chuyến bay tăng cường nhiều nhất vẫn là trục Hà Nội - TP HCM. Trên một số đường bay từ TP HCM đi các tỉnh: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Vinh… các hãng hàng không cũng có kế hoạch tăng hàng trăm chuyến bay, với số lượng hàng trăm nghìn ghế ngồi để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán 2019.
Còn nhiều cơ hội bay giá rẻ dịp Tết
Theo các hãng hàng không, đặc thù của vé máy bay là có nhiều dải giá khác nhau, được mở bán từ thấp đến cao theo nguyên tắc giá rẻ bán trước. Hành khách mua vé càng xa ngày đi sẽ có nhiều cơ hội tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các hoạt động bán vé rẻ mỗi ngày, cuối tuần siêu khuyến mại cũng được thực hiện xa ngày bay. Do đó, để có thể tiết kiệm chi phí, hành khách nên mua vé ngay khi có kế hoạch, càng gần ngày bay giá vé sẽ cao do lượng vé rẻ đã được nhiều khách hàng mua trước đó.
Đại diện một hãng hàng không cho biết, mùa cao điểm Tết kéo dài, tuy nhiên lượng khách tập trung chủ yếu trong 2 tuần trước và sau Tết Nguyên đán. Giá vé tuỳ thuộc vào từng ngày. “Đáng lưu ý, không phải ngày nào hãng hàng không cũng bán giá vé đầy đủ, hay nói cách khác, hành khách có rất nhiều cơ hội mua vé rẻ, tuy nhiên phải chấp nhận đi lệch ngày cao điểm. Mua càng sớm, giá càng rẻ, càng gần Tết, lượng vé rẻ sẽ cạn dần”, đại diện hãng hàng không thông tin.
Để làm rõ hơn, những ngày qua, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát trên kênh bán hàng trực tuyến. Đơn cử trong ngày 1/2 (tức 27 tháng Chạp), giá vé máy bay chiều Hà Nội - TP HCM khá rẻ, của Vietjet chỉ dao động ở mức 399 nghìn (chưa bao gồm thuế, phí sân bay). Hành khách có thể mua được mức vé này cho đến hết ngày 5/2 (tức ngày mùng 1 Tết). Sau mùng 1, giá vé bắt đầu nhích dần trong ngày mùng 2, mùng 3. Sang đến ngày 8/2, giá vé đã lên tới 2,2 triệu đồng và duy trì ở mức 2,8 triệu đồng trong liên tiếp cả tuần sau đó.
Ở chiều ngược lại, mức giá vé máy bay các ngày 1-3/2 (27 - 29 Âm lịch) duy trì ở mức 2,8 triệu đồng. Mức giá này giảm dần trong các ngày sau đó. Nếu ra Hà Nội từ ngày 14/2 (tức ngày 10 Tết), hành khách có thể dễ dàng mua vé chỉ 399 nghìn đồng (chưa bao gồm thuế phí sân bay). Khách hàng phân khúc truyền thống, bay Vietnam Airlines sẽ phải trả giá cao hơn một chút, tuy nhiên cũng không quá cao so với ngày thường.
Một điểm đáng chú ý, trong vài năm trở lại đây, dịp cao điểm Tết, không ít khách hàng gặp phải hành vi lừa đảo trong bán vé, mua phải vé giả. Liên quan đến vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, cách thức chủ yếu để các đối tượng lừa đảo bán vé máy bay giả chủ yếu thông qua việc lợi dụng các chính sách bán vé của từng hãng khác nhau.
“Đặc biệt, khách hàng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng; Tự đặt vé cho chính mình và không nên tham vé máy bay quá rẻ. Nếu nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé và kiểm tra lại vì có thể đó là một trò lừa đảo”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, nếu nghi ngờ với giá vé, khách hàng có thể liên hệ lại với hãng để kiểm tra thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.
Thực tế, đối tượng lừa đảo vẫn đặt vé cho khách hàng theo đúng hành trình mà khách hàng đưa ra và thanh toán như bình thường. Khi khách hàng nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Nhưng sau đó ít ngày, chúng sẽ gửi yêu cầu tới hãng hàng không để xin hoàn vé. Việc hoàn vé sẽ được chấp thuận ngay nếu như người yêu cầu hoàn vé chính là người đặt vé. Khách hàng không nhận được thông tin nào là vé máy bay của mình đã được hoàn vé. Chỉ đến khi đến sân bay làm thủ tục check-in mới biết được vé máy bay không còn hiệu lực.
Với các hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific, các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng chính sách đổi tên. Trong trường hợp này, vé vẫn là vé thật. Tuy nhiên, sau khi bán cho khách, đối tượng lừa đảo tiếp tục rao bán. Khi có khách mua, chúng sẽ gửi yêu cầu lên hãng tiến hành đổi tên. Cứ thế, với 1 chiếc vé, đối tượng có thể bán cho cả chục người.
Để phòng tránh mua vé máy bay giả, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar khi trao đổi với Báo Giao thông đều thống nhất quan điểm, khách hàng nên mua vé của các đại lý chính thức, có danh sách trên website của mỗi hãng.
Có nhiều loại vé máy bay với các mức giá khác nhau để hành khách lựa chọn, mỗi loại vé đều có các điều kiện sử dụng nhất định. Khi mua vé, ngoài việc kiểm tra các thông tin trên vé như: Họ tên, hành trình, ngày giờ khởi hành, hành khách nên nghiên cứu kỹ điều kiện của vé (có được thay đổi chuyến bay, họ tên… hay không? Nếu được, phải trả thêm tiền hay không? Việc hoàn vé thế nào?...). |
Tác giả: Thanh Bình
Nguồn tin: Báo Giao thông