Ngày 2-5, ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), khẳng định lãnh đạo UBND huyện Phụng Hiệp và UBND xã Hòa An không có chủ trương áp đặt thu quỹ Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Tuy nhiên, khi triển khai đến cơ sở, do trình độ nhận thức của cán bộ ấp, cũng như khả năng vận động từng nơi, từng chỗ còn hạn chế nên gây hiểu lầm cho bà con nhân dân. "Sau khi hay thông tin, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo cho Chủ tịch UBND xã Hòa An họp dân để giải thích cho bà con hiểu. Đồng thời, có thống kê cụ thể những hộ đã đóng, có bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo để trình UBND huyện có hướng xử lý, xem xét có hoàn lại khoản tiền này cho bà con hay không", ông Vũ cho hay.
Các khoản thu đúng ra là vận động nhưng vẫn được thu theo kiểu bắt buộc ở xã nghèo Hòa An |
Trước đó, nhiều hộ dân ở ấp 1 và ấp 3, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp vô cùng bức xúc vì địa phương triển khai thu các loại phí hàng năm có dấu hiệu "lạm thu". Lão nông Hà Văn Thưa (63 tuổi; ngụ ấp 3, xã Hòa An) cho biết 2 khoản thu bắt buộc người dân phải đóng là Quỹ An ninh quốc phòng, Quỹ phòng chống thiên tai thì ông đồng ý đóng. Tuy nhiên, khi đưa thông báo lại có thêm 2 khoản thu bất hợp lý là Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Theo ông Thưa, đây là 2 loại quỹ tự nguyện nên người dân có quyền đóng hoặc không đóng chứ không áp đặt như cán bộ ấp đang thực hiện. "Hai khoản thu Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nếu muốn thu thì phải họp dân, dân đóng bao nhiêu thì đóng, chứ không được bắt buộc. Còn đằng này, ấp bắt buộc, không đóng không được. Cán bộ ấp tới nhà thu, dân yêu cầu chậm lại 2 ngày cũng không được, mà phải bắt đóng liền", ông Thưa bức xúc nói.
Ông Võ Văn Kết (áo xanh, đứng), Chủ tịch UBND xã Hòa An giải thích về việc bị cho là "lạm thu" |
Không những đóng quỹ theo kiểu "bắt buộc" mà theo người dân chia sẻ, các loại quỹ ở xã Hòa An có mức thu cao hơn các xã lân cận trong cùng huyện Phụng Hiệp. Chị Nguyễn Thị Tiên, ngụ cùng cấp với ông Thư, cho biết: "Ở xã Hòa An và xã Phương Bình, mức thu khác nhau hơn một nửa giá tiền. Tôi hỏi thì mấy cán bộ đi thu nói ở đây ai cũng đóng hết, tại sao gia đình tôi lại không đóng, chứ không giải thích hay vận động gì hết, cứ đưa biên lai rồi đóng thôi".
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, các khoản thu tự nguyện là Quỹ An sinh xã hội đúng ra là chỉ vận động các hộ khá giả. Tuy nhiên, các hộ nghèo, cận nghèo vẫn bị thu như các hộ khác. Một hộ cận nghèo làm nghề đánh lá mía thuê ở ấp 1 cho rằng khi thấy cán bộ ấp đưa phiếu thu thì chỉ biết đóng chứ đâu biết gì mà thắc mắc. Lúc nhà không có tiền nên đành hẹn lại 2 ngày sau mượn tiền đóng. "140.000 đồng là bằng 10 ngày gạo của gia đình tui đó, một ngày đánh lá ròng rã của tui chỉ khoảng nhiêu đó thôi. Nhưng thôi, đóng cho người ta đi chứ để người ta đòi hoài cũng kỳ lắm"- một hộ cận nghèo ở xã Hòa An ngậm ngùi nói.
Lý giải về việc này, ông Võ Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Hòa An, cho rằng nguồn quỹ thu hàng năm đã được thống nhất trên toàn xã và thu có biên lai của Sở Tài chính cấp. Nguồn tiền thu được sẽ nộp và Kho bạc Nhà nước huyện Phụng Hiệp. Để sử dụng được nguồn tiền này, lãnh đạo xã phải làm tờ trình xin ý kiến UBND huyện mới được giải ngân. "Trong các khoản thu quỹ, chỉ có nguồn quỹ thiên tai thực hiện theo nghị định 94 Chính phủ là bắt buộc, riêng các nguồn còn lại là vận động. Tuy nhiên, trong cách vận động của cán bộ vẫn còn chưa đúng khiến người dân chưa hài lòng lắm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành họp dân lấy ý kiến, vận động bà con, tránh để người dân có nghi ngờ về các khoản thu trong những năm tiếp theo"- ông Kết giải thích.
Tác giả: Song Anh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động