Bà con làng Sen, xã Kim Liên (huyện Nam Đàn – Nghệ An) từ lâu đã quá quen thuộc với những đóa sen thơm ngát. Sen trong ao nhà, sen quanh đường làng, sen làm say lòng người. Cũng chính nơi đây đã nở ra một “đóa sen” tỏa ngát hương thơm đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến với làng Sen, ngắm nhìn những hiện vật đang được lưu giữ ở đây, muôn triệu con tim người Việt đều có chung một cảm xúc rưng rưng.
Chúng tôi đến làng Sen đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2018). Con đường tỉnh lộ 540 dẫn tôi đi từ “làng Trù quê mẹ” sang “làng Sen quê cha”. Không biết tên làng Sen có tự bao giờ, chỉ biết rằng, nó hình thành cùng với những đóa sen ngát hương thơm trong làng.
Con đường về quê Bác thật dài và đẹp. Hàng cây rợp bóng mát hai bên đường khiến cái nắng rát vàng ngày hè trở nên dịu hơn. Cái đẹp của thiên nhiên làng quê Việt Nam nói chung, làng Sen quê Bác nói riêng thật huyền diệu. Bước chân hành hương, về nguồn của chúng tôi thêm nhiều ý nghĩa.
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên luôn thu hút đông du khách đến tham quan. |
Sáng 9-6, khuôn viên rộng lớn của điểm di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên phủ dày một màu xanh của cây lá. Lượng người đổ về đây mỗi lúc một đông nhưng rất trật tự. Các phương tiện đến từ các tỉnh, thành: Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội… đỗ thành hàng bên ngoài điểm di tích.
Không ồn ào, xô bồ, thay vào đó là hình ảnh cả ngàn người đứng thành hàng, chậm rãi vào tham quan. Mọi người dừng chân ở đây như muốn dành một khoảng lặng riêng để nhớ về Bác, về những lời bác dạy. Quang cảnh thật yên ả và bình yên.
Bác Nguyễn Văn Hưng, quê ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cùng nhóm bạn hưu trí không phải lần đầu đến với quê Bác, song lần nào cũng vậy, khi đặt chân đến làng Sen, bác Hưng cũng như các thành viên trong đoàn đều thấy bồi hồi, xúc động. Bác Hưng đến đây thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến công ơn của Người – cả một đời vì nước vì dân.
Bác Hưng bảo với chúng tôi rằng: “Lần nào có dịp vào Nghệ An, mình cũng đều về quê Bác. Về quê Bác để ngắm những đóa sen, để tham quan những hiện vật, chứng tích lịch sử đang được trưng bày, lưu giữ ở đây. Hơn cả đó là được thắp một nén hương thành kính trước anh linh Bác”.
Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng, phong cách, đạo đức và những lời dạy của Bác vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Hình ảnh giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại, Người hiến dâng cả đời mình cho nền độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc, đang và sẽ mãi luôn khắc ghi trong lòng muôn triệu trái tim người dân nước Việt.
Trong những ngày tháng 6, thời điểm mà cả nước hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chúng tôi bắt gặp ở điểm di tích lịch sử làng Sen sự thành kính, lòng biết ơn vô hạn của những người con nước Việt đối với Người.
Theo chỉ dẫn của nữ hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích, đoàn khách gồm đại diện một số cơ quan báo chí đã tới thăm khu trưng bày và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây được coi là bảo tàng đầu tiên về Bác với nhiều hiện vật, hình ảnh gắn liền với cuộc sống, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác cũng như tình cảm của đồng bào cả nước, bè bạn quốc tế đối với Bác.
Giọng của nữ thuyết trình viên thật trầm và ấm: “Xin mời mọi người xếp hàng trước anh linh Bác để tiến hành làm lễ dâng hoa, dâng hương”. Không ai bảo ai, gần 100 thành viên trong đoàn chỉnh đốn trang phục, xếp hàng ngay ngắn trước tượng Bác. Trong không khí trang nghiêm và thành kính, ai cũng rưng rưng xúc động.
Nhà báo Văn Hào, công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam sau khi thắp nén nhang thành kính trước anh linh Người không khỏi xúc động: “Mình nguyện khắc ghi những lời dạy của Bác. Sẽ không ngừng học tập, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, trau dồi kinh nghiệm; có thêm những tác phẩm báo chí thu hút đông khán thính giả, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước giàu đẹp hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn”.
Nằm cách không xa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngôi nhà của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Bác Hồ. Quang cảnh xung quanh ngôi nhà lá 5 gian đơn sơ vốn được bà con trong làng dựng nên để mừng cụ, khi cụ đỗ Phó Bảng có nhiều đổi thay. Ngôi nhà chính là nơi Người đã gắn bó một phần tuổi ấu thơ của mình, nơi mà Người đã sống một thời đoạn “nước mất nhà tan”, nơi mà Người đã tiếp xúc với các bậc túc nho yêu nước trong vùng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, giành lại độc lập cho dân tộc.
Từ mái tranh nghèo, Bác đã đem theo lời ru, tiếng hát, hoài bão của mình ra đi tìm đường cứu nước. Bước chân vào trong nhà, du khách cảm nhận khá rõ không khí mát dịu và cuộc sống giản dị của cụ Nguyễn Sinh Sắc một thời thông qua những hiện vật. Nhiều người khi nghe nữ hướng dẫn viên thuyết trình cũng như tận mắt chứng kiến các chứng tích về cuộc sống gia đình Bác năm xưa đã không kìm được lòng.
Bên ngoài, mặc cho cái nắng chói chang của miền Trung vào những ngày đầu tháng 6, dòng người thành kính đổ về đây mỗi lúc một đông hơn ban sớm. Trung úy Đinh Viết Thiện, cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động (Công an tỉnh Nghệ An) tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cổng ra, vào khu di tích nói với chúng tôi: “Khách về thăm quê Bác ngày nào cũng đông. Đặc biệt là vào ngày thứ 7 và Chủ nhật, lượng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến đây tham quan, dâng hương báo công tăng đột biến. Bình quân vào thời điểm này, mỗi ngày, khu di tích đón khoảng 10 ngàn lượt người. Đáng chú ý, có nhiều người ở xa đến đây từ tối hôm trước rồi ngủ lại ở xã, rồi chờ tới sáng hôm sau, đến giờ mở cửa mới vào tham quan”.
Chúng tôi tạm biệt làng Sen khi mặt trời dần tròn trên đầu người. Hương thơm của sen đầu mùa chợt thoảng qua. Trong tiềm thức của chúng tôi, hình ảnh về người Cha già dân tộc, về cuộc sống giản dị nhưng rất đỗi thân thương của Người chốc chốc lại dội về. Làng Sen những ngày tháng 6 thật nhiều kỷ niệm.
Tác giả: Trần Huy
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân