Kinh tế

Lãnh đạo xã từ chức, xuất ngoại đi Tây kiếm tiền tỷ

Trước sức hút xuất ngoại làm giàu quá hấp dẫn, trai làng nhiều miền quê Hà Tĩnh chọn xứ người làm chốn khởi nghiệp làm giàu. Thậm chí, nhiều cán bộ cấp xã cũng chấp nhận rời nhiệm sở xuất ngoại mong đổi đời.

Đời bố, đời con xuất ngoại tìm việc

Đầu tháng 5, chúng tôi về xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh để tìm hiểu về một làng quê giàu có nhờ xuất khẩu lao động. Trên quốc lộ 1A, nhìn về trung tâm xã hơn 1 cây số, thấp thoáng những mái ngói đỏ tươi, những ngôi nhà cao tầng sừng sững dưới cái nắng đầu hè gay gắt. Con đường dẫn vào trung tâm xã được rải nhựa phẳng lỳ, hai bên đường nhan nhản hàng quán dịch vụ mọc lên, người mua kẻ bán tấp nập.

Hỏi chuyện người dân đi lao động nước ngoài, ông Võ Minh Thanh (thôn Trung Thiên) bảo cả làng đi nhiều lắm, đếm không xuể, riêng ông cũng một thời buôn ba nơi xứ người.

Ông Thanh nhớ như in một thời chật vật với nghề nông. Trước chiến tranh, ông đi bộ đội, giải ngũ về ông làm trưởng thôn rồi cùng vợ làm ruộng. Hai vợ chồng vất vả quanh năm nhưng mãi không khá lên được. Năm 2001, ông quyết định ra nước ngoài, tìm cơ hội làm giàu nơi xứ người.

Trụ sở xã Thiên Lộc khiêm tốn bên những ngôi nhà cao tầng do người dân xuất ngoại làm nên.

“Tôi làm trưởng thôn bốn năm, đến năm 2001 tôi nghỉ hẳn làm công việc ở xóm rồi tìm đường ra nước ngoài làm ăn. Hồi ấy ra nước ngoài khó khăn lắm. Tôi sang Nga, rồi sang Tiệp, sau đó nhiều tháng mới sang được nước Đức làm việc trong 3 năm” - ông Thanh kể.

3 năm lăn lội ở xứ người, ông Thanh làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng nghề bán thuốc lá gắn bó với ông phần lớn chặng đường bên trời Tây.

“Lúc đầu qua không biết tiếng bản địa nên mình học bập bẹ từ từ thành quen. Buôn bán thuốc lá chủ yếu là giao dịch với dân mình nên đỡ vất vả, lợi nhuận lại cao, mỗi ngày siêng năng được gần 2 triệu tiền Việt mình” - ông Thanh nói.

Đến năm 2004, khi đã lớn tuổi, ông trở về quê hương sinh sống. Rồi ông cho con cái nối nghiệp đường xuất ngoại kiếm ăn. Đến nay, con và cháu ông Thanh có 10 người sinh sống ở Anh.

Nghe ông Thanh kể chuyện, ông Võ Nhâm Tình (thôn Trung Thiên) nói: Nghề nông ở xứ này làm đủ ăn đã khá lắm rồi, để làm giàu thì khó lắm. Thanh niên trai tráng trong làng lớn lên đều rời quê lập nghiệp cả, trong đó phần lớn chọn đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Ông Tình cũng có hai người con đang làm việc ở Anh đã 3 năm, từ ngày đi đến nay chưa về lần nào. Hai con ông dù xuất ngoại làm thuê trong nhà hàng vẫn khá gấp bội làm ruộng ở quê.

“Hồi còn đương sức, vợ chồng tôi làm 2 mẫu ruộng cũng chỉ đủ ăn. Mấy đứa con lớn tôi khuyên vào Nam ra Bắc xin vào công ty mà làm, dù lương không cao nhưng cũng ổn định. Nhưng chúng muốn đi nước ngoài nên tôi cố vay mượn cho đi, dù sao công việc ở xứ người vất vả nhưng lương còn hơn bên mình nhiều” - ông Tình cho hay.

Cán bộ xã cũng từ chức đi Tây

Thống kê của UBND xã Thiên Lộc cho thấy, hiện toàn xã có khoảng 1.300 người đi lao động nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các nước Tây Âu. Người dân trong xã xuất ngoại tìm việc từ hơn 20 năm nay, nhưng thực sự nở rộ là từ năm 2008.

Những ngôi nhà cao tầng khang trang tạo nên bộ mặt mới tại xã Thiên Lộc

Ông Đặng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, cho hay, phần lớn người dân trong xã đi xuất khẩu lao động đều làm ăn khấm khá. Tại nhiều thôn, nhà tầng mọc lên san sát cũng nhờ con em đi lao động nước ngoài đem tiền về xây, nhờ đó bộ mặt của xã ngày càng khang trang.

Thậm chí, nhiều cán bộ cấp xã còn nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động. Chỉ trong hai năm 2016-2017, xã Thiên Lộc có 3 cán bộ đệ đơn xin nghỉ việc để xuất ngoại làm lao động, mà mới đây nhất, tháng 12/2017 có Trưởng công an xã Lê Anh Thắng.

Ông Tuấn nói thêm, anh Thắng là cán bộ biên chế của xã Thiên Lộc từ nhiều năm nay. Đầu năm 2017, đi học về, anh Thắng được bổ nhiệm làm trưởng công an xã. Trong đơn xin nghỉ việc, anh Thắng cho biết vì đồng lương quá thấp, hoàn cảnh khó khăn, hơn nữa gia đình anh mới xây nhà nên gánh nhiều nợ nần. Do đó, anh xin nghỉ việc đi xuất khẩu lao động kiếm tiền trả nợ.

“Đảm nhiệm chức trưởng công an xã, lương anh Thắng không đến 3 triệu đồng/tháng. Rất bất ngờ khi nhận được đơn của anh Thắng, chúng tôi đã gọi anh lên làm việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng đồng thời khuyên anh ở lại làm việc, nhưng anh Thắng quyết tâm xin nghỉ” - ông Tuấn nói.

Trước đó, hai nhân viên làm việc tại UBND xã Thiên Lộc cũng xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động là anh Võ Minh Quân (Phó công an xã) và anh Đặng Phúc Trường (cán bộ Văn hóa xã).

“Đối với người dân đi xuất khẩu lao động để thay đổi kinh tế gia đình chúng tôi rất khuyến khích. Họ làm ra tiền, xây dựng nhà cửa khang trang nên bộ mặt làng xã đổi thay là điều rất tốt. Tuy nhiên, cán bộ xin rời nhiệm sở là điều mất mát cho xã, bởi để tìm được người thay thế, đặc biệt là chức trưởng công an, rất khó. Con em học hành ra nhiều nhưng bằng cấp không phù hợp, nên chức này hiện do Phó chủ tịch ủy ban kiêm nhiệm”, ông Tuấn giãi bày.

Tác giả: Lê Minh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP