Cuộc sống

"Lão Phật gia" Sơn Kim lại có phát ngôn tâm đắc: "Trốn vợ đi chơi với người khác là sai rồi nhưng có cần hơi một chút phải bỏ nhau không?"

Bởi vì ly hôn thực sự là một quyết định quá quan trọng, một quyết định đau đớn xé nát con người ta cả về thể xác lẫn tinh thần.

MXH hôm nay lại xôn xao với quan điểm của "lão Phật gia" Sơn Kim: "Trốn vợ đi chơi với người khác là sai rồi nhưng có cần hơi một chút phải bỏ nhau không? Nhất là những ông U60, còn xương cốt đâu mà kè với gái 25?".

Có người đồng tình nhưng lại có rất nhiều người phản đối. Vẫn là câu chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Nhưng sự thực chỉ có chính bản thân chúng ta mới hiểu chiếc áo đang mặc trên người mình có đẹp không? Hoặc nó có thể xấu trong mắt thiên hạ nhưng lại đẹp với chúng ta. Hay một khi đã muốn giũ thì có đắt đỏ thế nào người ta cũng phải cởi ra cho bằng được.

Bài đăng của bà Nguyễn Thị Sơn.

Hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ là 1 loại cảm giác do chính mỗi người tự quy định

Trong thế giới của người lớn, đôi khi không có ranh giới cụ thể, không có trắng hay đen, không rõ ràng sáng hay tối.

Chúng ta luôn là chuyên gia, là nhà tâm lý học, là thẩm phán online trong câu chuyện của người khác nhưng với chính bản thân, chúng ta thường do dự và thiếu quyết đoán.

Trong bộ phim Big Little Lies, người vợ Celeste đã bị chồng bạo hành trong một thời gian dài, thậm chí đe dọa tính mạng nhưng sau cái chết của chồng, cô thường nhớ anh.

Cảnh trong phim Big Little Lies

Có 1 phân đoạn, Celeste cầm cốc ngẩn người nhìn ra ngoài cửa sổ, nghĩ đến cảnh người cha đóng vai quái vật đuổi theo hai con, đám trẻ cười nói vui vẻ trong phòng khách. Rồi những âu yếm của người chồng quá cố chợt ùa về trong kí ức...

Dường như trong cô vợ ấy luôn tồn tại những nỗi nhớ, sự miễn cưỡng và muôn vàn mâu thuẫn.

"Tôi vẫn yêu và nhớ anh ấy. Tôi có bị bệnh không?", cô nói với bác sĩ trị liệu.

Nhưng sự thật là Celeste không hề bị bệnh. Phụ nữ chúng ta về cơ bản đều giống nhau.

Người đã làm tổn thương chúng ta cũng cho chúng ta hơi ấm, khiến chúng ta cảm thấy được yêu, được hạnh phúc.

Người đã khiến chúng ta thất vọng cũng là người từng cho chúng ta hy vọng và gieo kỳ vọng về tương lai.

Chị A cho biết, sự phản bội của chồng khiến chị trải qua nỗi đau tồi tệ nhất trong cuộc đời, mất 1 năm trời, mất ăn mất ngủ, rơi vào trạng thái gần như trầm cảm.

Tâm lý vừa giận vừa đau vừa tiếc nó hỗn độn vô cùng. Chỉ có ai trải qua mới hiểu không phải nói thoát là có thể cân bằng và buông bỏ.

Chị đã nghĩ phải ly hôn để giải thoát cho chính mình nhưng nhìn anh ta vẫn là người bố tốt, con chị vẫn cần anh ta chị lại mủi lòng cho chồng mình cơ hội. Mọi người bảo chị ngu, chị dại nhưng chỉ có chị mới hiểu bản thân mình cần và muốn gì.

Tha thứ cho sự phản bội chính là tha thứ cho hèn nhát và do dự của bạn

Nếu trong thời đại phong kiến, quyết định ra đi của phụ nữ là ích kỷ hoặc đáng xấu hổ, thì ngày nay, sự nhẫn nhịn của phụ nữ lại được coi là hành động yếu đuối, nhu nhược.

Đã có bao nhiêu chị em hô cao khẩu hiệu "Tội gì có thể tha nhưng riêng phản bội thì không bao giờ?".

Nhưng đến lượt mình bị phản bội, chúng ta lại thay đổi thế giới quan: "Chẳng phải con người không thể chịu được sự cám dỗ sao? Đàn ông khác chưa ngoại tình chẳng qua anh ta chưa gặp được sự cám dỗ khủng khiếp như thế thôi!".

Có 2 kiểu đàn ông ngoại tình: 1 là có bồ chán vợ, 2 là muốn thêm chứ không muốn bớt. Với trường hợp thứ 2 đa phần người vợ sẽ coi đó chỉ là cuộc chơi của chồng, chơi chán sẽ quay đầu về, thậm chí còn có sự so sánh để nhận ra giá trị thực của vợ mình.

Trên thực tế, có lẽ "hèn nhát và do dự" là những phản ứng mà hầu hết các bà vợ đều có.

Bởi vì ly hôn thực sự là một quyết định quá quan trọng, một quyết định đau đớn xé nát con người ta cả về thể xác lẫn tinh thần.

Thế nên, để tha thứ cho "sự hèn nhát" của người phụ nữ, họ thực sự phải nghĩ quá nhiều về con cái, người thân… không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai.

Tại sao chúng ta lại hèn nhát?

Các bạn đã nghe nói về hội chứng Stockholm - Là một phản ứng tâm lý xảy ra khi các con tin hoặc nạn nhân của một vụ bắt cóc có liên kết với những kẻ bắt cóc hoặc lạm dụng hay giam giữ họ. Mối liên hệ về tâm lý này phát triển trong quá trình hàng ngày, hàng tuần hàng tháng hay nhiều năm bị giam cầm hoặc lạm dụng.

Một người trải qua hội chứng Stockholm bắt đầu gắn bó với kẻ bắt giữ và có thể trải qua cảm giác yêu thương, đồng cảm hoặc mong muốn bảo vệ kẻ bắt giữ. Các nhà tâm lý học lúc đó rất khó hiểu, những con tin này lẽ ra phải hận kẻ bắt cóc, tại sao lại có tình cảm?

Những trường hợp lừa dối và bạo hành gia đình cũng tương tự, rõ ràng là bị tổn thương nhưng họ thường nói về người đàn ông phản bội mình: Anh ta thực sự từng là một người tốt, anh ta không xấu xa như bạn nói, anh ta là một người cha tốt, anh ta rất trách nhiệm với bố mẹ tôi. Anh ta còn tài giỏi và có nhiều đóng góp cho gia đình…

Tại sao hội chứng Stockholm xảy ra trong hôn nhân?

Trước hết, có một lý thuyết về "sự bất hòa về nhận thức" trong tâm lý học. Nếu chúng ta thực hiện những hành vi không phù hợp với thái độ của mình, nó sẽ gây ra căng thẳng tâm lý. Và để xoa dịu sự căng thẳng này, chúng ta sẽ sửa đổi thái độ của mình làm cho nó phù hợp với hành vi.

Những người dễ thỏa hiệp, thích "sửa chữa" thường chọn cách khoan dung và tha thứ.

Họ nghĩ rằng họ cũng nên chịu trách nhiệm về sự cố ngoại tình, chẳng hạn như bản thân chưa đủ tốt, chưa quan tâm chồng nhiều, thế đã là gì so với thiên hạ… Họ sẽ tự tìm cho mình 1 lý do để 2 bên ở thế cân bằng dù người đàn ông có lỗi trước.

Không phải đi hay ở, buông hay nắm, quan trọng bạn muốn gì?

"Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", chắc hẳn có nhiều cô con gái được mẹ mình dạy như thế khi hôn nhân gặp rắc rối, khi trong đầu hiện lên 2 từ ly hôn. Nhưng sự thực là chúng ta không cần đắn đo có nên tha thứ, có nên tiếp tục hay không và cũng không cần lo lắng về việc chia ly có bất công với con cái hay không?

Hôn nhân rất phức tạp, nhu cầu của chúng ta đối với bạn đời thường đa chiều. Chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh rằng lòng trung thành có nghĩa là đủ các yếu tố: không phản bội, không tệ nạn, không chơi bời... Chúng ta cũng không thể khẳng định phản bội đáng được tha thứ nếu anh ấy còn nhiều phẩm chất tốt khác.

Người ta bảo phụ nữ thường đa đoan. Với họ, nếu anh ấy không phải là người tốt, họ sẽ tự tìm cớ bằng cách này hay cách khác để anh ta vẫn có giá trị nhất định.

Thay vì liên tục phân tích xem anh ta tốt hay xấu, tốt hơn hết là bạn nên tự hỏi bản thân: Mình muốn gì?

Hãy tập từ bỏ việc theo đuổi sự hoàn hảo trong cuộc sống và cho phép sự tồn tại của những điều hối tiếc.

Chúng ta có thể chọn tha thứ, bao dung nhưng cần chấp nhận sự không hoàn hảo của hôn nhân. Tóm lại, mọi thứ phải dựa trên nhu cầu của chính bạn.

Dù là dư luận bên ngoài hay áp lực gia đình, suy cho cùng không ai có thể thay thế cuộc đời bạn. Quan trọng nhất, sau khi cân nhắc những ưu và khuyết điểm, hãy đưa ra quyết định phù hợp.

Nếu bạn quyết định tha thứ cho kẻ lừa dối, bạn phải chuẩn bị cho khả năng anh ta có thể phản bội một lần nữa. Vì thế hãy cải thiện "kĩ năng tồn tại" trong xã hội này, ít nhất là sẽ lật ngược thế cờ lần sau khi bạn bị phản bội.

Nếu quyết định ly hôn, xin chúc mừng, bạn sẽ tái hòa nhập vào thế giới rộng lớn, có hàng ngàn khả năng có thể xảy ra.

Nếu biết từ bỏ một phần ảo tưởng về cuộc sống lý tưởng của mình thì quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Chấp nhận những điều không hoàn hảo của cuộc sống là cách duy nhất để bạn tôi luyện độ chai sạn. Cũng đừng dạy người ta cách buông bỏ khi người ta đã dành hơn 2/3 cuộc đời để gìn giữ.

Tác giả: KL

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP