Trong nước

Lấy phiếu tín nhiệm: Cần, nhưng chưa đủ

Các chuyên gia đề xuất cần có thêm những bước đi tiếp theo để đánh giá những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, cũng như công khai lý do tín nhiệm thấp của lãnh đạo đầu ngành.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thể hiện thể hiện kì vọng của nhân dân vào các vấn đề bức xúc trong xã hội. Dù kết quả có ra sao, thì lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra được những áp lực nhất định lên các bộ ngành cũng như trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu.

Đó là nhận định của các chuyên gia khi trao đổi với Zing.vn, sau khi 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm vào chiều 25/10.

Theo kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 437 phiếu, chiếm 90,1%). Bà cũng được 34 đại biểu đánh giá tín nhiệm (chiếm 7,01%) và 4 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (0,82%).

Người được đánh giá tín nhiệm cao thứ hai là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông được 393 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (81,03%), 68 đại biểu đánh giá tín nhiệm (14,02%) và 14 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (2,89%).

Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ là người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất. Ông Nhạ được 137 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, 194 đại biểu đánh giá tín nhiệm và 140 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao.

Xếp áp chót là Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ông Thể được 107 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, 221 đại biểu đánh giá tín nhiệm, 142 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao. Cạnh Bộ trưởng Thể là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ông Dũng được 97 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, 208 đại biểu đánh giá tín nhiệm, 169 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao.

Điểm nóng dân sinh

Nhận xét về 3 bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nói: Những tư lệnh của các ngành có nhiều điểm nóng có thể thấy rõ có số phiếu tín nhiệm thấp hơn, nhiều phiếu bất tín nhiệm hơn. Giáo dục và giao thông luôn là những lĩnh vực người dân quan tâm hàng đầu.

Ông Thayer nhận định với Zing.vn: "Việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bị tín nhiệm thấp nhiều nhất chứng tỏ đâu là vấn đề dân sinh còn gây nhiều bất mãn xã hội nhất. Tôi hơi bất ngờ ở kết quả của Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nếu nhìn vào các chỉ số FDI vào Việt Nam”.

Có cùng chung nhận định, nhưng tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam) đưa ra một cái nhìn rộng, đa chiều hơn: “Trong thời gian qua, 2 lĩnh vực giáo dục và giao thông gặp rất nhiều vấn đề. Có thể không do những người đầu ngành mà do những vấn đề cố hữu đã tồn tại từ lâu”, ông Du nói.

Theo ông Du, những người bị tín nhiệm thấp không hẳn là do các vấn đề phát sinh từ các quyết định của họ. Ông đúc kết: “Nó có trục trặc từ hệ thống của chúng ta. Có những vấn đề của thể chế, phương pháp; có những vấn đề từ hậu quả của giai đoạn trước. Rất khó để làm hài lòng tất cả mọi người khi ngồi vào những vị trí hay động chạm, nhạy cảm. Khi nhìn trên phương diện xã hội, kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh nhiều vấn đề. Có những vị trí rất nóng, có những ghế bộ trưởng đã rất nóng nhưng người đầu ngành đã làm những vấn đề nóng đó tệ hơn”.

Với việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu về số phiếu “tín nhiệm cao”, các chuyên gia nhận định điều này phản ánh đúng những hoạt động cải tiến không ngừng của Quốc hội và Chính phủ.

Tại phiên chất vấn trực tiếp của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định việc đổi mới cách thức chất vấn "hỏi nhanh - đáp gọn" đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao. Trong kỳ họp đó, thời gian dành cho mỗi lượt chất vấn của đại biểu được rút gọn xuống còn 1 phút thay vì 2 phút như trước đây.

Giáo sư Thayer cũng nhận định: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chính phủ đã đạt được những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Song song đó, Thủ tướng cũng đã thực hiện hàng loạt chuyến công du nước ngoài với lịch làm việc dày đặc, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Công khai lý do tín nhiệm thấp

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có những tác dụng, kết quả nhất định. Người được tín nhiệm cao sẽ vẫn phải cố gắng để giữ mức độ tín nhiệm hoặc cải thiện để cao hơn nữa. Những người có mức độ tín nhiệm thấp thì bắt buộc phải cải thiện, cố gắng để lấy lại sự tín nhiệm cho bản thân.

“Chúng ta có thể thấy rõ những ngành đợt lấy phiếu tín nhiệm trước đây đạt tín nhiệm thấp thì lần này đã đạt kết quả tốt”, ông Huỳnh Thế Du nói. Ông Du lấy ví dụ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Năm 2013, Bộ trưởng Tiến là một trong những người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cao nhất. Theo kết quả công bố chiều 25/10, bà Tiến được 224 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao, 197 đại biểu đánh giá tín nhiệm và 53 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trả lời báo chí sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những bất cập còn tồn tại với cách chế tài các chức danh bị tín nhiệm thấp, như quy định ai nhận được 2/3 phiếu tín nhiệm thấp của tổng số đại biểu thì mới bị Quốc hội đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Giáo sư Thayer cũng đặt vấn đề: “Làm sao để đánh giá phiếu ‘tín nhiệm cao’? Ai được tính là người được ‘tín nhiệm cao nhất’ - là người có nhiều phiếu ‘tín nhiệm cao’ nhất hay người có nhiều phiếu ‘tín nhiệm cao’ và ‘tín nhiệm’ nhất? Rõ ràng là vẫn còn rất nhiều vấn đề với việc diễn dịch kết quả lấy phiếu tín nhiệm”.

Các chuyên gia đều đồng thuận rằng cần có thêm những bước đi tiếp theo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chức danh được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đề xuất: “Chúng ta có thể để dư luận người dân đánh giá bằng cách tạo một cuộc thăm dò ý kiến người dân, hoặc để chính người dân đánh giá mức độ tín nhiệm. Thêm nữa, chúng ta có thể công khai lý do tín nhiệm thấp của một lãnh đạo đầu ngành nào đó. Hoặc chúng ta có thể so sánh độ tín nhiệm giữa các nhiệm kì lãnh đạo của một ngành, từ đó nhìn ra được sự cải thiện của từng ngành, từng người”.

Cùng có đề xuất để các đại biểu Quốc hội giải thích rõ lý do tín nhiệm thấp người đứng đầu ngành, Giáo sư Thayer nói thêm: “Tôi nghĩ đối với những bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp, chúng ta có thể cho phép họ tự ‘biện hộ’ hoặc ‘nhìn lại’, xem đâu là vấn đề của lĩnh vực mình phụ trách, đâu là những điểm không được đánh giá thoả đáng”.

Từ đó, những tư lệnh ngành này sẽ tự đề ra kế hoạch cải thiện kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của mình nhằm khôi phục lòng tin. “Kế hoạch này có thể là trình lên Thủ tướng và từ đó, Thủ tướng sẽ báo cáo với Quốc hội tiến trình thực hiện lời hứa cải tiến của từng tư lệnh ngành”, Giáo sư Thayer nói.

Ông Thayer nhận định thêm, kết quả lấy phiếu tín nhiệm này cũng sẽ giúp Hội nghị lần tới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có thêm thông tin để tham khảo khi chuẩn bị về công tác nhân sự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Trong số các nội dung phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đáng chú ý là việc các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Tác giả: Sơn Hà - Quang Huy - An Điền

Nguồn tin: Zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP