Con số trên là kết quả của việc bám sát các phương hướng, chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh Nghệ An về công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) và nỗ lực, cố gắng trong việc đổi mới, đa dạng hoá cách thức vận động, tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Lễ ra mắt CĐCS tháng 5/2024 tại Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Ảnh: HOÀNG YẾN |
Không vì “lượng” mà quên “chất”
Theo đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An, công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS không những cần chú trọng số lượng mà còn phải quan tâm đến chất lượng. “Lượng” và “chất” phải đi đôi với nhau.
“Chất” ở đây được hiểu trên hai bình diện:
Bình diện thứ nhất là CĐCS đó được thành lập phải có vai trò gì so với khi đơn vị chưa thành lập tổ chức Công đoàn.
“Không phải thành lập “cho có” hoặc thành lập, ra mắt xong là xem như đã thành công và tự hào về thành quả đó. Suy nghĩ như thế là chúng ta thất bại ngay từ đầu.
Cụ thể là phải trả lời được các câu hỏi: Thành lập tổ chức Công đoàn để làm gì? Người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động được gì từ tổ chức Công đoàn? Nếu không có tổ chức Công đoàn thì các chủ thể tham gia vào quá trình lao động, sản xuất của đơn vị, doanh nghiệp cụ thể ấy có thiệt thòi gì?
Từ các câu hỏi đó mà chúng ta vạch ra kế hoạch hoạt động cho một CĐCS mới thành lập. Không có một công thức chung, mỗi CĐCS có một hoàn cảnh đặc thù, tùy vào đó mà chúng ta thực hiện” - đồng chí Kha Văn Tám chia sẻ thêm.
Bình diện thứ hai là công tác đồng hành với tổ chức CĐCS. Phải làm gì để đội ngũ cán bộ CĐCS có bản lĩnh chính trị, kỹ năng thương lượng, nhất là tiền lương và phúc lợi cho NLĐ, khả năng tập hợp NLĐ. Phải xác định cán bộ CĐCS là “mắt xích” quan trọng, quyết định chất lượng hoạt động công đoàn và phong trào công nhân lao động.
Đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An trao quà hỗ trợ cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tháng Công nhân năm 2024. Ảnh: HOÀNG YẾN |
“Thạo chính trị, giỏi kinh tế” là hai trong số các phẩm chất nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS, đồng nghĩa với nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn. Tôi cho rằng, hoạt động bề nổi (văn hóa, thể thao), hiếu, hỉ… là cần thiết nhưng bên cạnh đó, cần đi sâu tham gia vào công tác quản lý cùng chính quyền, đề xuất các chính sách nâng cao chế độ phúc lợi cho NLĐ” - đồng chí Kha Văn Tám nhấn mạnh.
Hai thành tố “lượng” và “chất” có tương quan mật thiết với nhau. Nếu chỉ chú trọng phát triển về số lượng mà không quan tâm đến chất lượng thì số lượng, thành quả thống kê chỉ có tính nhất thời. Chỉ khi quan tâm đến chất lượng các hoạt động của CĐCS, công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS mới có tính bền vững.
Bàn về tương quan này, đồng chí Kha Văn Tám nói thêm: “Chúng ta thường nói đến tính lan tỏa rộng rãi, mạnh mẽ của hoạt động công đoàn mà nhiều khi quên mất rằng, cốt lõi, hiệu ứng tích cực của các hoạt động ấy là ở chức năng bảo vệ và đại diện cho quyền lợi của NLĐ, cũng như cải thiện điều kiện làm việc và cuộc sống của họ.
"Chất" ở đây còn phải được hiểu là một quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đôi bên cùng có lợi, là điều phải được tổ chức Công đoàn quan tâm đặc biệt. Còn nhiều khía cạnh khác liên quan đến yếu tố “chất”, trong đó, tiêu biểu như công tác giới thiệu đoàn viên công đoàn cho Đảng để xem xét, bồi dưỡng kết nạp Đảng”.
Đa dạng hóa cách thức vận động
Đây được xem là “chìa khóa vàng” trong phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS của tổ chức Công đoàn Nghệ An.
Theo đồng chí Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An, trong bối cảnh hiện nay, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS có nhiều khó khăn, nhưng "không vì khó mà buông".
“Việc bám chắc địa bàn, nắm vững thông tin, khảo sát, xây dựng kế hoạch sát với thực tế, thường xuyên rà soát tình hình các dự án mới, hoạt động các doanh nghiệp trên địa bàn các khu công nghiệp, phân công cán bộ phụ trách chuyên đề; phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn khu công nghiệp là cơ sở tối quan trọng cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS” - đồng chí Hoàng Thị Thu Hương khẳng định.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam phát biểu tại Lễ ra mắt CĐCS tháng 5. Ảnh: HOÀNG YẾN |
Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS phải đi từ yếu tố cốt lõi là tập trung xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Gắn công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS với việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả; lấy đoàn viên, NLĐ làm trung tâm.
Tổ chức các hoạt động, phong trào thiết thực, bổ ích nhằm động viên tinh thần và vật chất cho đoàn viên. Khi có các hoạt động, việc mời các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn tham gia để tạo sự lan toả, để các doanh nghiệp hoà đồng vào hoạt động chung là hết sức cần thiết.
“Đa dạng hóa cách thức vận động có nghĩa là tranh thủ mọi cách để tuyên truyền, tương tác, để họ thấy tổ chức Công đoàn làm gì chứ không đơn thuần là thuyết phục bằng lời nói” - đồng chí Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ.
Công tác giám sát và kết hợp tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp có vai trò khá quan trọng trong chiến lược phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Khi tư vấn cho doanh nghiệp về các quy định pháp luật một cách hiệu quả, có tính thuyết phục thì đây chính là dịp để đặt vấn đề thành lập CĐCS.
Cuộc làm việc giữa Công đoàn KKT Đông Nam với Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision về việc chuẩn bị đại hội thành lập CĐCS vào tháng 4/2023. Ảnh: TRẦN NGUYỆT |
Xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, bản lĩnh, tâm huyết với tổ chức Công đoàn. Chú trọng đào tạo kỹ năng tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên cũng như đổi mới công tác tuyên truyền, vận động khoa học, chỉn chu, bài bản cho họ thông qua các cuộc tập huấn là một trong những giải pháp mà Công đoàn KKT Đông Nam thực hiện bấy lâu nay.
"Những công cụ hỗ trợ như bộ tài liệu mẫu để hướng dẫn NLĐ, doanh nghiệp thực hiện quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS dễ dàng, thuận tiện cũng cần được trang bị” - đồng chí Hoàng Thị Thu Hương cho biết.
Tác giả: QUỐC THẮNG
Nguồn tin: laodongcongdoan.vn