Ông Đoàn Văn Thu, ở xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, mấy năm gần đây, nhờ tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với doanh nghiệp, nên gia đình ông luôn an tâm trong việc sản, không lo giá lúa bị giảm, khó tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ; không ám ảnh bởi “được mùa, mất giá” như trước đây. Ông Đoàn Văn Thu cho biết thêm, vào vụ thu hoạch lúa, doanh nghiệp đã liên kết sẽ thu mua lúa hàng hóa cao hơn thị trường 50 đồng/kg.
“Liên kết, giá không bao giờ xê dịch được, ổn định đầu ra. Liên kết là rất thuận lợi, bởi vì phân, thuốc, giống là hoàn toàn bên công ty đưa ra để cho đến lúc thu hoạch luôn. Đến mùa thu hoạch, bên công ty hỗ trợ cho mình là bán cao hơn giá thị trường là hơn 50 đồng/kg” - ông Thu chia sẻ.
Tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, trong vụ sản xuất thu-đông năm 2021, các doanh nghiệp đã liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với hơn 1.000 hộ nông dân, với diện tích canh tác gần 1.600 ha; trong quá trình nông dân canh tác, doanh nghiệp cung cấp lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đầu vào… đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện còn tham gia vào tổ hợp tác nhân giống lúa, liên kết với các công ty sản xuất lúa giống góp phần tăng thêm thu nhập trong sản xuất.
Cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở An Giang. |
Hiện nay, toàn huyện Châu Phú có 5 công ty và 14 tổ nhân giống lúa, với hơn 200 hộ dân tham gia, diện tích nhân giống hơn 420 ha. Mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa và lúa giống, đã góp phần giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến, xây dựng vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nông dân tham gia vào mô hình này vẫn tiêu thụ lúa với giá ổn định; tránh đứt gãy trong khâu tiêu thụ, nông dân phấn khởi và yên tâm trong sản xuất.
Ông Huỳnh Phúc Hân, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú cho biết, với hơn 7 năm sản xuất lúa giống, mấy năm gần đây, gia đình ông sản xuất hơn 2 ha lúa giống liên kết với công ty giống cây trồng tại địa phương; đến khi thu hoạch, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn lúa hàng hóa 500 đồng/kg, từ đó lợi nhuận trong sản xuất cũng được tăng lên.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều doanh nghiệp đã liên kết với nông dân để sản xuất lúa hữu cơ. Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú đã liên kết với nông dân, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang sản xuất lúa gạo hữu cơ, theo quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân; quy mô mỗi vùng nguyên liệu khoảng 50 ha.
Áp dụng tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất. |
Ông Lâm Thành Kiệt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú cho biết, nhờ việc ký kết với nông dân, Công ty đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất gạo phẩm cấp thấp của nông dân trước đây; đồng thời dần dần đã xây dựng được thương hiệu “Gạo 7 Núi”. Hiện nay, sản phẩm gạo hữu cơ mang thương hiệu “Gạo 7 Núi”, không chỉ phân phối khắp thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc… và đang thâm nhập vào thị trường châu Âu.
“6 tháng đầu năm, chúng tôi đã bao tiêu cho bà con nông dân là khoảng 50.000 tấn. Vụ này, chúng tôi sẽ tiếp tục bao tiêu cho bà con nông dân trong vụ lúa nhật. Đối với công ty, thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bện, đảm bảo được cái mục tiêu kép, là chống dịch và đảm bảo được sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để công ty được phát triển” - ông Lâm Thành Kiệt nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa gạo và cá tra vẫn là 2 mặt hàng chiến lược của tỉnh, tiếp tục đóng góp rất lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu. Sản lượng lúa của An Giang đạt khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó 70% diện tích trồng lúa chất lượng cao.
Thời gian qua, An Giang có nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong mời gọi đầu tư vào nông nghiệp. Nhất là, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết theo mô hình “Cánh đồng lớn” trong sản xuất và tiêu thụ. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân tiêu biểu, như: Lộc Trời, Tấn Vương, Angimex, Antesco…. Đến nay, toàn tỉnh có trên 180 hợp tác xã nông nghiệp; với 13.000 thành viên. Đặc biệt, thời gian qua, có 24 HTX kiểu mới và 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp được thành lập gắn với Tập đoàn Lộc Trời.
Mặc dù trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, nhưng vụ lúa đông xuân năm 2021-2022, có 15 doanh nghiệp đăng ký liên kết tiêu thụ với tổng diện tích liên kết 115.100ha, chiếm gần 50% diện tích dự kiến xuống giống. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời dự kiến liên kết 105.000 ha, chiếm hơn 91% tổng diện tích liên kết theo kế hoạch đăng ký của các doanh nghiệp, chiếm hơn 45% diện tích dự kiến xuống giống của cả vụ đông xuân 2021-2022. Với diện tích còn lại, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tăng cường kết nối thông tin doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa, nếp, giúp tiêu thụ hết sản lượng được thu hoạch.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, thời gian qua, địa phương đã làm khá tốt ở khâu liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã thông qua việc ký kết các hợp đồng để đưa nông sản ra thị trường. Mô hình “cánh đồng lớn” đã khẳng định hiệu quả nhưng việc nhân rộng, phát triển mô hình còn chậm do gặp nhiều khó khăn. Để bền vững hơn, tránh rủi ro mùa vụ, địa phương đang chuyển từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị, đích đến là thị trường và người tiêu dùng.
“Trong việc sản xuất lúa hiện nay, không có con đường nào khác hơn là phải sản xuất theo kiểu kinh tế hợp tác. Kinh tế hợp tác là phải thực hiện các hợp tác xã kiểu mới. Trong đó, người nông dân hùn đất đai với doanh nghiệp để tạo ra các cánh đồng lớn, các hợp tác xã sẽ hình thành từ cánh đồng lớn này. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho người nông dân từ việc xuống giống cho đến qua trình canh tác, cơ giới hóa hết và đồng thời bao tiêu sản phẩm. Có như vậy nông nghiệp mới phát triển bền vững được; người dân không còn sản xuất nhỏ lẻ nữa; không còn kiểu được mùa mất giá; sản phẩm của họ tạo ra là phải có thị trường ổn định” - ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Hiện nay, An Giang đang tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa nói riêng, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn có chất lượng và truy xuất được nguồn gốc; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghiệp 4.0 vào quản lý kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn… tiến tới nền nông nghiệp phát triển bền vững./.
Tác giả: Phan Văn Ánh
Nguồn tin: vov.vn