|
San đồi, bạt núi lấy tài nguyên bán công khai !
Câu chuyện về quản lý tài nguyên, khoáng sản tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An dường như đang trở thành một “bài toán khó” với các cơ quan từ huyện tới xã. Minh chứng cho việc quản lý lỏng lẻo, thậm chí có sự buông lỏng đó là liên tiếp những đồi keo lần lượt bị “đất tặc” san phẳng khiến người dân phải chỉ biết thở dài.
Dù không được phép khai thác, nhưng nhiều cá nhân vẫn cho máy xúc, xe tải ngày đêm đào đồi, khoét núi lấy đất đem đi bán như chốn vô pháp. Hành vi vi phạm pháp luật này lại đang diễn ra "vô tư" trên địa bàn xã Bài Sơn không bị chính quyền sở tại xử lý.
Mới đây, người dân xã Bài Sơn lại được một phen “trầm trồ” khi thấy hoạt động khai thác tài nguyên tại xóm 2 dù là khai thác “thổ phỉ” nhưng lại diễn ra huyên náo, rầm rộ như thách đố chính quyền địa phương. Với “lực lượng hùng hậu”, ba chiếc máy đào, hơn 20 chiếc xe tải trọng lớn, chỉ trong vài ngày, một vùng đồi chuyên trồng keo đã dường như bị san phẳng.
Việc khai thác tài nguyên trái phép như thế này đã xảy ra được một thời gian trên địa bàn xã Bài Sơn thế nhưng không được chấn chỉnh nghiêm để rồi cứ thế tái diễn |
Qua tìm hiểu được biết, đồi keo bị san phẳng nói trên thuộc trong diện tích đất lâm nghiệp mà cơ quan chức năng đã cấp cho ba hộ dân. Dưới danh nghĩa cải tạo vườn đồi, các hộ dân này đã tiếp tay cho nhóm “đất tặc” cùng trú tại địa phương, tổ chức khai thác đất trái phép. Bọn chúng ngang nhiên tổ chức khoét đồi, lấy đất bán cho nhà máy xi măng Sông Lam đóng tại địa bàn xã.
Nói về câu chuyện này, ông Nguyễn Hữu Quang – Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho PV biết, tại thời điểm xảy ra khai thác, do đang nghỉ lễ nên chính quyền đã không kịp thời nắm bắt, chấn chỉnh. Về nội dung vì sao toàn bộ đất khai thác lậu được chở vào nhà máy xi măng Sông Lam đóng tại địa bàn, vị Chủ tịch xã này cho biết là do trong đất có lượng quặng, đủ tiêu chuẩn làm chất phụ gia xi măng.
Đây không phải là lần đầu tiên tài nguyên Quốc gia trên địa bàn xã Bài Sơn bị một số cá nhân tự ý khai thác, đem bán công khai, trục lợi trái pháp luật. Còn nhớ, cũng tại địa điểm này, vào cuối năm 2019, cũng từng diễn ra cảnh khai thác rầm rộ, nhưng chỉ sau khi dư luận lên tiếng, UBND huyện Đô Lương có chỉ đạo thì xã Bài Sơn mới dừng được việc khai thác tài nguyên "chui".
Xã buông lỏng quản lý, nhà máy xi măng “tiếp tay” !
Về vấn đề quản lý, vì sao lại diễn ra cảnh khai thác tài nguyên trái phép nhưng lại công khai, có tính chất quy mô lớn như vậy? Ông Đậu Văn Chinh – Trưởng phòng TN&MT huyện Đô Lương cho rằng đó là trách nhiệm của UBND xã Bài Sơn. Để xảy ra việc khai thác tài nguyên trái phép thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm.
Trước thực trạng “nóng” về việc khai thác tài nguyên trái phép tại xã Bài Sơn cũng như một số xã khác trên địa bàn huyện, UBND huyện Đô Lương cũng đã có văn bản gửi, nhắc nhở, cũng như yêu cầu các xã nêu cao trách nhiệm quản lý về tài nguyên khoáng sản.
“Riêng trường hợp xã Bài Sơn thì ngoài văn bản chỉ đạo chung với ba xã khác, huyện cũng đã có một văn bản riêng gửi Chủ tịch xã Bài Sơn. Nội dung giao trách nhiệm cho Chủ tịch xã nếu tiếp diễn việc khai thác tài nguyên trái phép, Chủ tịch xã phải chịu toàn bộ trách nhiệm". Bên cạnh đấy, "chúng tôi cũng đang làm tham mưu trình để xem xét trách nhiệm của Chủ tịch xã Bài Sơn” – Ông Chinh bày tỏ.
Tài nguyên khai thác trái phép là đất giàu sắt được chở về nhà máy xi măng Sông Lam |
Ngày 1/5 vừa qua, một chủ đầu nậu “đất tặc” tên là Ng (trú tại xã Bài Sơn) sau nhiều ngày liền ngang nhiên tổ chức khai thác đất tại xóm 2, xã Bài Sơn để bán cho nhà máy xi măng Sông Lam đã bị lực lượng Công an (CA) tỉnh Nghệ An bắt giữ. Tại hiện trường, CA đã lập biên bản tạm giữ ba chiếc máy xúc, cùng với trên dưới 20 chiếc xe tải có chứa đất. Toàn bộ số đất giàu quặng này đều trong quá trình vận chuyển vào nhà máy xi măng Sông Lam.
Nói về vụ việc bắt giữ quy mô này, ông Phùng Thành Vinh – Bí thư Huyện ủy huyện Đô Lương cho biết: “Huyện đang phối hợp với CA tỉnh để làm rõ và xử lý nghiêm. Hiện tại đang trong quá trình điều tra nên chưa thể thông tin sai phạm đến đâu”.
Câu chuyện “đất giàu quặng” được khai thác chui rồi cứ thế “tiến về” nhà máy xi măng Sông Lam dường như chẳng xa lạ gì với những chủ “đất tặc” tại Nghệ An. Do lợi nhuận từ việc làm phi pháp này mang lại rất cao, đất giàu quặng bán cho nhà máy xi măng sẽ có giá. Bởi thế nhiều cá nhân đã bất chấp pháp luật, thậm chí còn có dấu hiệu được “bật đèn xanh”, “buông lỏng” từ chính quyền sở tại nên đã tổ chức khai thác, ăn cắp tài nguyên mà không vấp phải sự ngăn chặn kịp thời, quyết liệt.
Muốn ngăn chặn thì phải có sự cứng rắn, cũng như các giải pháp đồng bộ, thực hiện xử lý nghiêm, kiên quyết đối với không chỉ những kẻ chuyên tổ chức khai thác tài nguyên trái phép, mà ngay cả những cá nhân, tổ chức được giao trách nhiệm nhưng có dấu hiệu buông lỏng quản lý, có dấu hiệu “tiếp tay”, “bật đèn xanh”.
Thậm chí đến lúc này thì vị tân Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cần phải xem xét, xử lý nghiêm khắc đối với những đơn vị thực hiện thu mua nguồn tài nguyên trái phép. Việc thu mua này rõ ràng là một hình thức "tiếp tay" đắc lực, “tạo đất sống” cho những kẻ khai thác tài nguyên trái phép. Có vậy hay chăng mới dẹp tận gốc “vấn nạn nóng” này tại tỉnh Nghệ An.
Liệu ông Chủ tịch xã Bài Sơn có “thoát trách nhiệm” trong vụ việc lần này, Cty Cổ phần xi măng Sông Lam sẽ lý giải ra sao về việc thu mua nguyên liệu có được từ hoạt động khai thác trái phép?
PL&DS sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: phapluatdansinh.phapluatxahoi.vn