Thế giới

Lộ diện "người đứng sau" trong kế hoạch ám sát tướng Qasem Soleimani của Mỹ

Mỹ nguy cơ đứng trước tình cảnh "nước sôi lửa bỏng" sau khi cuộc không kích bằng tên lửa Hellfire của nước này khiến tướng Qasem Soleimani thiệt mạng hôm 3/1.

Tướng Qasem Soleimani. Ảnh: AP

Tướng Qasem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã thiệt mạng dưới cuộc không kích bằng tên lửa Hellfire của Mỹ lúc rạng sáng 3/1 vừa qua.

Đích thân Tổng thống Donald Trump phê chuẩn vụ tấn công với lý do "nhằm ngăn chặn một mối nguy tức thời đối với nước Mỹ".

Trước đó, rất nhiều đời Tổng thống Mỹ như ông George W. Bush hay ông Barack Obama cũng từng có hành động quyết định đơn phương, không thông qua quốc hội như kiểu ông Trump.

Khác biệt ở chỗ, tướng Qasem Soleimani có địa vị quan trọng hơn nhiều so với "kẻ tị nạn" Osama Bin Laden (bị giết ở Pakistan) hay mấy nhân vật chỉ huy Hezbollah.

Cũng bởi vị thế của ông Soleimani mà chính quyền Iraq đã ngay lập tức "giữ khoảng cách" với Mỹ sau vụ ám sát để không gây thù chuốc oán với Iran. Đồng thời, Baghdad lên án Washington vi phạm thỏa thuận đồn trú quân sự, các đảng phái chính trị thì kêu gọi trục xuất hết lính Mỹ.

Hiến chương Liên Hiệp Quốc nói chung cấm một quốc gia sử dụng vũ lực trên lãnh thổ nước khác, chỉ trừ trường hợp được sự cho phép. Nhưng thực tế các nước lớn luôn có cách để lách luật. Nếu không đủ lực như Mỹ thì cách phổ biến nhất là mượn tay một lực lượng ủy nhiệm.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Washington Post, chủ ý tiêu diệt tướng Soleimani của Iran không phải do Tổng thống Trump đưa ra, mà là do một nhân vật khác hiến kế.

Cụ thể, sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad bị tấn công, đe dọa đến sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ngay lập tức điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cùng Đại sứ Mỹ tại Iraq.

Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với tờ Washington Post, sau khi thảo luận cùng các quan chức có liên quan, ông Pompeo đã liên tục trao đổi cùng Tổng thống Mỹ để vận động ông đồng ý với kế hoạch tiêu diệt Soleimani. Phó Tổng thống Mỹ Pence cũng ủng hộ kế hoạch này của ông Pompeo.

Thực tế, kế hoạch này đã được Ngoại trưởng Pompeo trao đổi với ông Trump từ nhiều tháng trước đây để đưa ra những hành động cứng rắn đáp trả lại vụ việc Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ năm 2019. Tuy nhiên khi đó ông Trump đã cự tuyệt kế hoạch này vì cho rằng tiêu diệt tướng Soleimani bằng các cuộc không kích có thể mang lại rủi ro quá lớn cho Mỹ.

Tuy nhiên, sau sự việc Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad bị tấn công vừa qua, Tổng thống Trump đã thực sự lo lắng rằng nếu không có hành động đáp trả, người dân Mỹ và dư luận quốc tế sẽ đặt câu hỏi về sự quyết đoán và sức mạnh của Mỹ, sự lo lắng này chính là "tín hiệu đèn xanh" đối với ông Pompeo, và Ngoại trưởng Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục Tổng thống Trump.

Washington Post cũng thông tin nội dung cuộc trao đổi rằng, ông Pompeo đã chỉ trích mạnh mẽ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vì đã không bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ ở Benghazi (Libya). Qua đó lợi dụng vấn đề này để trình bày Tổng thống Trum và nhấn mạnh, điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà ngoại giao Mỹ ở Baghdad xảy ra thương vong trong lần này? Cuối cùng thì Tổng thống Trump cũng "xiêu lòng" và đưa ra quyết định có nguy cơ đẩy Mỹ vào tình cảnh "nước sôi lửa bỏng".

Tuy nhiên, ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN trong đó vẫn rất tự hào về chiến tích của mình: "Chúng tôi đã loại bỏ một 'kẻ độc ác' khỏi chiến trường, chúng tôi đã đưa ra quyết định đúng đắn và tôi tự hào về những nỗ lực của Tổng thống Trump", .

Tác giả: Hoa Vũ

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP