Kinh tế

Lo hàng Trung Quốc 'mượn đường', 'mượn xuất xứ' Việt Nam để vào Mỹ

Bộ Công Thương lo ngại vấn đề gian lận xuất xứ khi nguy cơ hàng hóa Trung Quốc 'mượn đường' và 'mượn xuất xứ' của Việt Nam để vào Mỹ.

Nội dung này được Bộ Công Thương đề cập trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối 2019.

Theo đó, cơ quan này sẽ phối hợp đồng bộ hơn với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề gian lận xuất xứ khi nguy cơ hàng hóa Trung Quốc ‘mượn đường’ và ‘mượn xuất xứ’ của Việt Nam để vào Mỹ.

“Bộ Công Thương thời gian qua đã có các văn bản gửi VCCI đề nghị tăng cường kiểm tra hồ sơ cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, tác động xấu đến sản xuất trong nước”, báo cáo nêu.

Nghi vấn Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam thu hút quan tâm dư luận gần đây đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Cũng theo Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm, đơn vị sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước để xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phản ứng chính sách kịp thời. Triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và tập trung thực hiện các bước tiếp theo nhằm sớm hoàn thành phê chuẩn EVFTA. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiệ quy định về kê khai và quản lý giá cả hàng hóa.

Liên quan đến xuất xứ hàng hóa, tháng 2 năm nay, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng.

Cụ thể, hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi miễn phí và bất hợp pháp từ các Hiệp định hương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Bộ Công Thương nhận định, việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không chỉ làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động đến sản xuất trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng cả hai chiều và vượt 200 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 122,4 tỷ USD, tăng 7,1% và nhập khẩu khoảng 120,7 tỷ USD, tăng 8,8%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng thặng dư khoảng 1,7 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan chủ yếu nhờ vào nhóm hàng công nghiệp chế biến, đạt 102,2 tỷ USD tăng 9,1% so cùng kỳ 2018.Trong khi đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhóm nhiên liệu, khoáng sản lại giảm lần lượt 6,9% và 0,5% so cùng kỳ.

Cũng theo Bộ Công Thương, hầu hết các nhóm mặt hàng nhập khẩu chính đều tăng. Cụ thể, nhóm mặt hàng nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước đạt hơn 23,8 tỷ USD, tăng 18,7%; nhó hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 12,5% đạt 17,5 tỷ USD…

Tác giả: Hoàng Hưng

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP