Giáo dục

Loạt vi phạm của NXB Giáo dục Việt Nam: Vô tình hay cố ý?

Đây không phải lần đầu tiên NXB Giáo dục Việt Nam được "gọi tên" về những sai phạm liên quan đến hoạt động in ấn và xuất bản SGK.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo, trong đó đưa ra hàng loạt những sai phạm của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong công tác biện soạn, in ấn, phát hành sách gây ra ảnh hưởng lớn đến thị trường sách giáo khoa (SGK).

Chưa dừng lại câu chuyện “sạn” SGK

Tuy nhiên, nếu nhìn lại chỉ tính riêng năm 2022 thì có lẽ đây không phải lần đầu tiên NXB Giáo dục Việt Nam được xướng tên vì những “lỗi lầm” của mình. Thậm chí trong báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ GD&ĐT đã phải lên tiếng thừa nhận rằng “một số bộ SGK ban hành vẫn còn “lỗi, sạn” gây ra dư luận không tốt.

Đặc biệt, khi quyết định phê duyệt SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục, vẫn còn tình trạng SGK vẫn có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp với học sinh lớp 1, một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa, hoàn thiện trong các SGK lớp 2 và lớp 6”.

Có lẽ việc thừa nhận là do sau hơn 40 năm (Tính theo tư liệu thảm khảo “Sách học vần” năm 1977) học sinh đều được dạy chữ “P” thì đến nay sách tiếng Việt lớp 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống lại “cải biên ngược” không dạy chữ cái này.

Nhiều giáo viên giảng dạy bộ sách Kết nối tri thức ở một số địa phương cũng phàn nàn vì văn bản ngữ liệu, kiến thức còn nhiều lỗi. Tiếng Việt khó, nhiều văn bản không phù hợp.

Nhiều vi phạm trong quá trình biên soạn sách của NXB Giáo dục Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, đầu tháng 12 vừa qua, các giáo viên lại phát hiện ra việc cùng một bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhưng ở phần bài tập cuối chương 1 trong sách giáo khoa Toán 6 (tập 1) ở các nhà in Cà Mau, Sóc Trăng, Quảng Nam có nội dung khác nhau.

Hay cùng một nhóm viết sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý mà kiến thức lớp 6 và lớp 7 lại hoàn toàn trái ngược nhau.

Cụ thể, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 6 có nội dung: "Miền Trung và miền Nam là cao nguyên Đê-can với rừng rậm và núi đá hiểm trở; chỉ có vùng cực Nam và dọc theo hai bờ ven biển là những đồng bằng nhỏ hẹp, là nơi sinh sống tương đối thuận lợi, dân cư đông đúc".

Nhưng ở sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 7 lại cung cấp kiến thức cao nguyên Đê-can lại ở vùng Tây Nam.

Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ liên quan đến những “sạn” trong sách của NXB Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, trước những lỗi nghiêm trọng này, đến nay phía NXB hoàn toàn chưa có phản hồi, đính chính hay bất kỳ hành động khắc phục hậu quả nào.

Nhiều chiêu trò đội giá sách

Điều đáng buồn hơn cả, phụ huynh phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua những bộ sách có quá nhiều nội dung nhiều sai phạm để cho con em mình học.

Đầu năm học 2022-2023, theo công bố công khai của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một bộ SGK lớp 3 có giá từ 177.000 đồng đến 183.000 đồng. Bộ SGK lớp 7 từ 208.000 đồng đến 209.000 đồng. Bộ SGK lớp 10 từ 246.000 đồng đến 301.000 đồng. Và tất cả giá này đều chưa bao gồm sách cho bộ môn tiếng Anh.

Giá sách này được đánh giá đắt gần gấp đôi so với chương trình cũ, trong cùng khối lớp, giá sách trước kia chỉ dao động từ 58.000 đồng đến 172.000 đồng.

Một trong những lý giải về việc vì sao giá SGK mới cao hơn hẳn giá hiện hành, NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng có khác biệt cơ bản giữa chi phí tổ chức biên soạn SGK hiện hành và bộ sách mới.

Vì SGK mới có khổ 19 x 26,5 cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17x24 cm), tất cả các sách được in 4 màu để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, thông qua hình ảnh hóa nội dung,..., chi phí in tăng 23% so với SGK hiện hành.

Thậm chí, trong phiên thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội (25/5), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời về việc giá sách tăng một phần vì “Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn, thực nghiệm cho đến giới thiệu, bồi dưỡng, phát hành SGK là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính”.

Giá sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018 tăn gần gấp đôi so với giá cũ.

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ, NXB Giáo dục Việt Nam sử dụng giấy in định lượng thấp, cụ thể giấy in ruột SGK 1 màu định lượng 48 g/m và một phần giấy in ruột SGK từ 2 màu trở lên định lượng 56 g/m, 60 g/m; các loại giấy in này chiếm 36,64% tổng số giấy in ruột SGK. Với thông số này thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8694:2011.

Ngoài ra, NXB Giáo dục Việt Nam còn giao in gia công cho các nhà in là công ty con không chỉ khiến mâu thuẫn nội dung giữa các nhà in (như đã trình bày ở trên) mà còn dẫn đến tăng chi phí sản xuất SGK.

Bên cạnh đó, trong kết luận chỉ ra việc phát hành SGK qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian nên càng đội thêm chi phí.

Cụ thể có 4 Công ty CP Sách và Thiết bị Giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) là đại lý cấp 1 của NXB (được hưởng 5%); các công ty sách và thiết bị trường học địa phương trong khu vực (là đại lý cấp 2, được hưởng từ 7% + 8%).

Các đại lý, cửa hàng sách, các trường học (là đại lý cấp 3, được hưởng từ 12% + 13%).

Lãi khủng từ sách giáo khoa?

Trước đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích với Người Đưa Tin Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK đã chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, có cạnh tranh đối với mặt hàng này. Có nghĩa SGK đang do thị trường định giá nghĩa là người bán và người mua tự quyết định.

Giá thành của SGK sẽ bao gồm các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để sản xuất (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm, chi phí công tác tổ chức bản thảo, marketing,..)

Phân bổ chi phí chung không đúng tỉ lệ doanh thu của SGK trên tổng doanh thu, làm tăng chi phí chung được phân bổ cho SGK cao hơn so với số liệu thực tế dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK (theo chương trình giáo dục phổ thông 2006), bằng giá NXB đã đăng ký từ năm 2011 cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá.

NXB Giáo dục Việt Nam và Bộ GD&ĐT có dấu hiệu "lợi ích nhóm".

Đây có lẽ là câu trả lời lý do tại sao kết quả kinh doanh năm 2021 NXB Giáo dục Việt Nam báo mức lãi sau thuế là 287,4 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của đơn vị này. Năm 2021, đơn vị này đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra. Và cứ phát hành một quyển sách giáo khoa (SGK), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thu về hơn 11.100 đồng và lãi gần 1.750 đồng.

Bên lề hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông tổ chức ngày 29/9, ông Lê Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam vẫn khẳng định trước báo chí rằng đơn vị này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực SGK mà còn rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Do đó, lợi nhuận NXB Giáo dục Việt Nam là tổng lợi nhuận của tất cả các hoạt động kinh doanh ấy.

Đối với hoạt động của NXB Giáo dục Việt Nam cần sớm có những khắc phục kịp thời để học sinh được hưởng những bộ sách có giá trị thực sự.

Ngày (5/7) Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kí quyết định số 1886 về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Thái có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới.

Dư luận cũng mong muốn, với những cá nhân liên quan, trước những sai phạm nghiêm trọng, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội như vậy, pháp luật cần phải nghiêm trị để đem lại niềm tin của nhân dân.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP