Giáo dục

Lớp 2 học Xác suất và Thống kê: Đừng tạo thêm áp lực cho các em!

Thông tin trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn toán Xác suất và Thống kê sẽ bắt đầu xuất hiện trong sách giáo khoa cho trẻ em từ lớp 2 đang “gây sốt” trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở lớp 2.

Lớp 2 học Xác suất và Thống kê

Như thông tin đã đưa, theo chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được áp dụng từ năm học 2020-2021, nội dung cốt lõi của môn Toán được tích hợp xoay quanh 3 mạch kiến thức chính: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất. Trong đó, Thống kê và Xác suất được xác định là một thành phần bắt buộc của giáo dục toán học trong nhà trường, nhằm tăng cường tính ứng dụng và giá trị thiết thực của giáo dục toán học.

Trước đây, Thống kê được dạy một chút ở lớp 4 và 5, lên cấp THCS học sinh được học ở lớp 7 và cấp THPT là ở lớp 10. Còn Xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11. Còn trong chương trình phổ thông mới, Thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2. Ở lớp 2, học sinh sẽ được làm quen từ những khái niệm đơn giản và dần dần được nâng lên các cấp cao hơn.

Về Xác suất, học sinh sẽ được bắt đầu làm quen với phép thử và chỉ yêu cầu các em nhận thức được kết quả của những phép thử đơn giản. Ví dụ như biết khi nào một kết quả nào đó của phép thử có thể hoặc không thể xảy ra. Như gieo một con xúc xắc 6 mặt thì có bao nhiêu khả năng có thể xảy ra?...

Về Thống kê, ở lớp 2, học sinh sẽ làm quen với biểu đồ tranh. Ví dụ trong bức tranh cụ thể, có bao nhiêu bông hoa, cái bút,... Rồi phân biệt có bao nhiêu bút xanh, bao nhiêu bút đỏ,... Tức là từ những thao tác Thống kê kiểm đếm rất đơn giản.

Theo ban xây dựng chương trình, Thống kê và Xác suất tạo cho học sinh khả năng nhận thức và phân tích các thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hiểu bản chất Xác suất của nhiều sự phụ thuộc trong thực tế; hình thành sự hiểu biết về vai trò của Thống kê như là một nguồn thông tin quan trọng về mặt xã hội, biết áp dụng tư duy thống kê để phân tích dữ liệu. Từ đó, nâng cao hiểu biết và phương pháp nghiên cứu thế giới hiện đại cho học sinh.

Vô tình tạo áp lực cho các em

Thật ra, vấn đề này không mới vì vốn dĩ từ trước đến giờ trong các bài tập ít nhiều đã có Xác suất và Thống kê rồi. Nhưng bây giờ coi nó là một chương trình khung tức là người ta sẽ đặt nặng nó hơn.

Trong khi, nền giáo dục của các nước phát triển người ta chưa đặt nặng lắm đến vấn đề phải nhận thức cho được bản chất của sự vật, hiện tượng ở lứa tuổi lớp 2, mà người ta chú trọng về nhân cách và cách tiếp cận cũng như giải quyết một vấn đề đơn giản.

Dĩ nhiên, thông tin kể trên ngay lập tức vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận, nhiều ý kiến cho rằng bộ môn Thống kê và Xác suất thực tế vẫn đang là một môn rất khó ở cấp học đại học, nhiều sinh viên phải cố gắng hết sức mới có thể “qua môn”, mang xuống lớp 2 có khiến cho học sinh ở lứa tuổi “biết ăn, biết chơi, biết ngủ” là ngoan có quá sức của các em?

“Trẻ lớp 2 đã cần thiết phải được tiếp xúc với những khái niệm phức tạp đến như vậy hay chưa? Việc này liệu có đi ngược lại với chủ trương giảm tải chương trình không? Hay các nhà cải cách ước mơ các em thành thần đồng sớm. Cũng có thể, các vị ấy rảnh quá, không có việc gì làm nên phải vẽ chuyện ra cho có việc đó mà” – Một phụ huynh phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng (xin được giấu tên) không đồng tình.

Liên quan đến vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện trực tiếp với Ths Nguyễn Ngọc Phương - Giảng viên khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, thầy cho biết: “Xác suất và Thống kê là nội dung đòi hỏi kỹ năng tư duy phân tích và tổng hợp - mức độ tư duy nhận thức bản chất của sự vật và hiện tượng. Sẽ là khá nặng nề đối với học sinh từ lớp 2 nếu chúng ta quá chú ý đến việc bắt các em phải hình thành tư duy phân tích ngay từ giai đoạn đầu của cấp tiểu học”.

Ths Nguyễn Ngọc Phương tiếp tục: “Việc đưa một nội dung mới vào chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi phải được đánh giá nghiêm túc và khoa học bởi vì nó sẽ có những tác động rất lớn đến học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là đối với đối tượng học sinh lớp 2. Theo đó, các chuyên gia giáo dục cần phải đánh giá được khả năng và nhu cầu nhận thức của lứa tuổi học sinh cho thật phù hợp nếu không sẽ trở thành gánh nặng đối với khả năng nhận thức của các em”.

Đúng là, vừa qua lớp vỡ lòng, chỉ mong các em đạt được trình độ “đọc thông, viết thạo” và cảm giác muốn được đến trường mỗi ngày mà không có tâm lý sợ sệt. Những đứa trẻ 7 tuổi, chưa cần phải được nhồi nhét quá nhiều những kiến thức mà người lớn mong muốn trang bị cho chúng để làm “hành trang bước vào tương lai” như những mỹ từ thường được tung hô.

Đó là chưa kể để áp dụng suôn sẻ, thành công chương trình này thì cũng cần nhiều yếu tố như tính đồng bộ của đội ngũ giáo viên, thời gian đào tạo, tập huấn, dạy thêm học thêm, sự kèm cặp của phụ huynh nhất là cùng nông thôn và vùng kinh tế còn khó khăn..v..v.

Mặt khác, chúng ta trước giờ hay nói đến việc trẻ em không có tuổi thơ, trẻ em bị “trầm cảm” vì áp lực học hành, trẻ em thiếu kỹ năng sống... Chúng ta cũng hay nói đến chủ trương giảm tải cho chương trình giáo dục phổ thông để bớt tạo áp lực cho các em..v..v.

Thế nhưng, nói cũng chỉ là một chuyện, còn làm cách nào để tháo gỡ việc đó lại là chuyện khác. Đã nhiều năm nay vẫn chưa thấy cải thiện sự giảm tải là mấy. Và trong chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho các em tiếp xúc với môn toán Xác suất và Thống kê từ năm lớp 2 là minh chứng thiết thực nhất.

Để rồi, các em lại không có thời gian giải trí, vui chơi đúng nghĩa với lứa tuổi mà các em đáng được hưởng. Để rồi, chúng ta lại phải thấy các em đánh mất tuổi thơ chỉ vì chữ học, chuyện học.

Tác giả: Thanh Bình

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP