Giáo dục

Lớp xóa mù chữ dành cho U60

Cứ 16h, lớp học xóa mù chữ ở trường Tiểu học và THCS Hướng Linh lại vang lên tiếng ê a đánh vần của phụ nữ Vân Kiều tuổi từ 35 đến 60.

Lớp học xóa mù chữ cho người lớn tuổi mở tại trường Tiểu học và THCS Hướng Linh. Ảnh: Hoàng Táo

Chị Hồ Thị Hồng (35 tuổi, trú xã Hướng Linh, Hướng Hoá) là một trong những thành viên của lớp học. Bình thường, phải 18 đến 19h chị Hồng mới thu dọn gùi, dao rựa trên rẫy về nhà, nhất là vào vụ thu hoạch sắn. Nhưng 3 tháng trở lại đây, chị Hồng thu xếp rời rẫy từ sớm.

"Mình thích học nên về nhà sớm, làm ruộng làm rẫy, trồng sắn cũng bỏ hết để về đi học", người phụ nữ Vân Kiều da đen sạm, đôi tay chai sần vì làm rẫy, nói. Hôm nào về muộn, chị cũng cố gắng đến lớp, không vắng buổi nào. Chị bảo ngày trước gia đình nghèo khó, phải chăm em, tới khi lấy chồng lại đẻ liền bốn con nên chị không có thời gian đi học.

Trong lớp học xóa mù chữ ở bản Mới xã Hướng Linh, bà Hồ Thị Hoa lớn tuổi nhất (60), nhưng học cũng nhanh nhất. Sau 3 tháng học, bà Hoa có thể đọc rõ chữ, viết nắn nót.

Bà Hoa kể thời trước gia đình khó khăn, 15 tuổi mới tham gia mẫu giáo được mấy buổi học rồi phải nghỉ để lao động. Năm 18 tuổi, bà lập gia đình, đến nay có bảy người con và 15 đứa cháu nội ngoại. Được đi học bà rất vui, hiện đã "đọc viết được tên của mẹ, biết chữ sơ sơ".

Vì bàn ghế của học sinh lớp 1 thấp và chật, các bà các chị tự sắp xếp lại rồi ngồi ngay ngắn chờ giáo viên. Những học viên đến sớm giở bài cũ ra ôn, đọc to từng chữ. Chữ nào quên, họ trao đổi với nhau, thỉnh thoảng vang lên tiếng cười khúc khích. Nhiều buổi học còn có con của học viên đi theo để bày chữ cho mẹ.

Thầy giáo nắm tay tập viết cho một học viên vừa tham gia lớp học. Ảnh: Hoàng Táo

Lớp học xóa mù chữ do trường Tiểu học và THCS Hướng Linh tổ chức, khai giảng vào tháng 7, theo kế hoạch xóa mù chữ của huyện Hướng Hóa. Lớp tập trung từ 16h30 đến 17h, kết thúc lúc 19h, do hai giáo viên phụ trách. Học viên được phát sách vở, bút và tài liệu học tập.

Ngoài bản Mới, lớp xóa mù chữ còn được mở tại hai thôn khác là Cu Vơ và Coóc. Giáo viên về từng nhà, lên tận rẫy mời người dân đi học. Ban đầu, nhà trường vận động được 27 học viên, nhiều người đến lớp vì tò mò. Nhưng thấy chữ khó học, nhiều người bỏ cuộc, buộc giáo viên phải kiên trì vận động. Sau này, nhiều người đọc được chữ, thích đi học nên sĩ số hiện tăng lên 45.

Thầy Trương Quang Tiến, đứng lớp xóa mù chữ ở điểm trường thôn Cu Vơ, nói lớp toàn người cao tuổi, có hoàn cảnh gia đình khác nhau nên việc dạy phải rất linh hoạt. "Người học cần gì chúng tôi đáp ứng cái đó. Có người muốn viết, có người muốn đọc, làm toán. Trong lớp này không có phương pháp cố định mà tùy từng bài học, sở thích người học, khả năng tiếp thu của học viên mà chúng tôi truyền đạt kiến thức phù hợp", thầy Tiến nói.

Hiệu trưởng Lê Minh Quốc cho biết việc vận động và duy trì sĩ số học viên là khó khăn lớn nhất của nhà trường. Đến nay, đa số học viên đọc được viết được. Các lớp học dự kiến kết thúc vào tháng 12/2019, học viên hoàn thành chương trình giáo dục xóa mù chữ cấp độ 1, tương đương học sinh lớp 1 đến 3.

Sau khi kết thúc chương trình, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa sẽ kiểm tra rồi đưa người học ra khỏi danh sách mù chữ. Xã Hướng Linh hiện có 90 người mù chữ cấp độ 1, chiếm tỷ lệ 6,61%.

Tác giả: Hoàng Táo

Nguồn tin: vnexpress.net

  Từ khóa: mù chữ , xóa mù chữ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP