Giáo dục

Lừa đảo 'con cấp cứu ở bệnh viện', lấy thông tin học sinh từ đâu?

Tọa đàm 'Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học' do báo Tiền Phong tổ chức ngày 17-3 lý giải nhiều thông tin liên quan chuyện phụ huynh bị gọi điện thoại lừa đảo bằng kịch bản 'con cấp cứu ở bệnh viện'.

Ông Võ Đỗ Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 17-3 - Ảnh: MỸ DUNG

Tội phạm công nghệ cao đã lấy những thông tin từ đâu để lừa đảo?

Từ nhiều kênh

Thầy Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM - cho rằng trong bối cảnh hiện nay thông tin của con người rất dễ bị lộ, với học sinh càng dễ bị lộ hơn.

Các công tác như thực hiện hồ sơ y tế sức khỏe, mua bảo hiểm sức khỏe, thi đại học… đều phải gửi thông tin của học sinh đi. Với sự phát triển của công nghệ, có bảo mật thế nào đi nữa thì vẫn có thể có tội phạm mạng tấn công. Thế nên, đầu tiên chúng ta phải bảo vệ chính mình.

Tương tự, thầy Nguyễn Đình Độ - hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân - cho biết nhà trường rất coi trọng việc nhập dữ liệu học sinh và thường xuyên nhắc nhở đội ngũ về việc bảo mật thông tin.

Nhưng những sơ hở dẫn đến để lọt thông tin vẫn có thể tồn tại. "Nhiều nhãn hàng họ khuyến mãi sữa, khuyến mãi vật này, vật kia cho học sinh… và có thể lọt thông tin qua kênh này", thầy Độ ví dụ.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm về lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học - Ảnh: MỸ DUNG.


Nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay, ông Võ Đỗ Thắng cho rằng nếu chỉ nói thông tin bị lọt từ kênh nhà trường là chưa đúng, chưa đủ.

"Những rủi ro lộ thông tin có thể xuất phát từ kênh học sinh lên mạng Internet. Ở đó có rất nhiều cạm bẫy. Trên mạng thường xuyên có những rủi ro về mã độc, lừa đảo. Học sinh chỉ cần chơi TikTok, game là tội phạm công nghệ thông tin có thể truy cập ra được các thông tin cá nhân học sinh, gia đình em đó.

Chỉ cần học sinh chơi game trong cùng một nhà, các máy tính hoặc điện thoại trong nhà đều có thể bị xâm nhập ăn cắp dữ liệu. Con cái chơi game, chơi TikTok cha mẹ có thể mất tài khoản ngân hàng. Đó là điều có thể có trong bối cảnh hiện nay", ông Thắng cảnh báo.

Ngăn chặn ra sao?

Ông Võ Đỗ Thắng nói theo thống kê, mỗi ngày trung tâm an ninh mạng bị 5.000 cuộc tấn công. Những cuộc tấn công đó không giới hạn về biên giới, có thể đến từ nước ngoài. Chúng lợi dụng nhiều góc độ của người dùng mạng để tấn công như sự hiểu biết, biến đổi công nghệ, phát triển của công nghệ (AI, mã hóa…).

Vì thế, các trường học hiện nay ngoài việc đưa người giỏi vào hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn cần thiết phải xử lý thông tin bằng mã hóa. "Nếu thông tin đã được mã hóa thì có lấy được cũng không dùng được", ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng khuyên gia đình và nhà trường phải tăng cường sức đề kháng cho chính học sinh bằng những chương trình huấn luyện chống tội phạm công nghệ cao. Các trường phải có từng chương trình đưa ra các tình huống cụ thể, thiết thực để học sinh tự bảo vệ mình trước những rủi ro an toàn thông tin trên mạng để học sinh có phương án phòng ngừa.

Tác giả: Mỹ Dung

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP