Giáo dục

Luật Giáo dục sửa đổi: Cần xem xét thấu đáo để không ai bỏ lỡ cơ hội học tập

Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung cần xem xét thấu đáo trên mọi khía cạnh của giáo dục thường xuyên để hướng đến mục tiêu lớn nhất là không để ai bỏ lỡ cơ hội được học tập, dù ở bất kỳ hoàn cảnh hay độ tuổi nào.

Đó là ý kiến của ông Quách Thế Tản - Ủy viên Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình góp ý về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung sẽ được thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Nhiều người dân đồng bào Mông ở xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tranh thủ sau những buổi lên nương rẫy, để tự kiếm cho mình con chữ.

Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của giáo dục thường xuyên trong xã hội học tập ngày nay?

Ông Quách Thế Tản: Với chức năng hoàn thiện, bổ sung, GDTX tạo cơ hội cho mọi người có nhu cầu được học tập thường xuyên, học tập suốt đời để bổ sung, cập nhật kiến thức, kĩ năng, để hoàn thiện nhân cách, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Với chức năng thay thế, tiếp nối, GDTX tạo "cơ hội học tập thứ hai", "cơ hội học tập bình đẳng" cho những người không có điều kiện học chính quy hoặc phải bỏ học dở chừng, những người vừa học, vừa làm với chương trình linh hoạt, mềm dẻo, không tập trung, không liên tục, không bắt buộc học trong một thời gian nhất định như giáo dục chính quy.

Như vậy, với chức năng, nhiệm vụ của mình, GDTX có vai trò to lớn trong việc tạo "cơ hội học tập bình đẳng" cho mọi người, góp phần thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Tạo "cơ hội học tập suốt đời" cho mọi người.

Nhờ GDTX, nhiều người (đặc biệt là những người lớn, người đã tham gia thị trường lao động) có điều kiện tiếp tục học tập, cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới để đạt được trình độ mong muốn, hoàn thiện nhân cách, phát triển bản thân, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội học tập hiện nay.

Tại sao với vai trò lớn như vậy nhưng đến nay giáo dục thường xuyên vẫn chưa thực sự được nhìn nhận đúng, có ý kiến còn còn đề nghị xóa bỏ trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Phải chăng chất lượng giáo dục thường xuyên đang khiến một số người hoài nghi, thưa ông?

Đúng là giáo dục thường xuyên vẫn còn một số bất cập, dẫn tới chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhưng theo tôi, cần xem xét nguyên nhân để có giải pháp khắc phục, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm này chứ không thể vì chất lượng một số nhỏ trong đó mà đề nghị xóa bỏ.

Thực tế tại tỉnh Hòa Bình cho thấy, trung tâm nào nắm bắt kịp thời nhu cầu học tập của người dân trong cộng đồng và đáp ứng tối đa các nhu cầu học tập thì nơi đó sẽ hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, việc quan tâm tới đổi mới công tác xã hội hóa giáo dục nhằm tăng cường nguồn lực cho các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng động; quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn, phương pháp dạy học phù hợp; quan tâm đầu tư để có nguồn học liệu đa dạng cũng ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của các trung tâm.

Chúng ta cần phải nhìn xa, thấy được tác động lâu dài để có chính sách, giải pháp phát triển giáo dục thường xuyên chứ không căn cứ vào việc một số trung tâm hoạt động chưa hiệu quả mà xóa bỏ trung tâm GDTX và trung tâm học tập cộng đồng. Nếu chúng ta xóa bỏ những trung tâm này, người lớn sẽ học ở đâu, mục tiêu học tập suốt đời sẽ không thể thực hiện được.

Tại kỳ họp thứ 5 lần này, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung. Ông nhận xét như thế nào về nội dung giáo dục thường xuyên trong dự thảo này?

Trước hết phải nói rằng, Luật Giáo dục hiện hành 13 năm qua đã thực sự tạo điều kiện cho GDTX phát triển. Tuy nhiên, cũng đã có những nội dung đến nay không còn phù hợp hoặc cần phải được bổ sung mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Như quy định quyền lợi và nghĩa vụ của người lớn về học tập suốt đời; trách nhiệm của xã hội về xây dựng xã hội học tập; nguồn lực để phát triển GDTX; quản lý GDTX; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên GDTX cho phù hợp…

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung đã quy định cho phép cơ sở GDTX được tổ chức linh hoạt, đa dạng theo loại hình công lập và ngoài công lập để phù hợp với điều kiện thực tế; hình thức học cũng đa dạng, phong phú, mở ra nhiều cơ hội cho người học có thể tiếp cận giáo dục tùy điều kiện, hoàn cảnh mỗi cá nhân.

Đặc biệt, Điều 47 sửa đổi, bổ sung quy định văn bằng, chứng chỉ GDTX được nhà nước đảm bảo, công nhận về mặt pháp lý, giống như giáo dục chính quy - căn cứ việc đánh giá chung kết quả theo chuẩn đầu ra. Việc không phân biệt bằng chính quy, không chính quy theo tôi là sự thay đổi rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể học bất kỳ hình thức nào và tạo sự liên thông cho tất cả hình thức học tập.

Tuy nhiên, việc bỏ quy định cụ thể về định danh các cơ sở GDTX để thay bằng quy định chung chung là “cơ sở giáo dục có chức năng GDTX” như trong dự thảo hiện nay sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện, có thể dẫn đến tình trạng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những nội dung đã được quy định cụ thể trong Luật giáo dục hiện hành (2005). Quan trọng hơn có thể làm lỡ cơ hội học tập cho người lớn, cho nông dân, cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn, miền núi.

Tôi cho rằng, quy định các cơ sở GDTX theo Luật Giáo dục hiện hành là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các cơ sở GDTX, vì vậy cần cân nhắc để giữ nguyên quy định này theo Luật hiện hành.

Dự thảo Luật Giáo dục bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức là tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thường xuyên học tập, bồi dưỡng để phát triển bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để thực hiện được quy định này theo ông cần những giải pháp trong thực tế như thế nào?

Theo tôi, để thực hiện được quy định này cần phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của học tập thường xuyên để người học tích cực, chủ động tham gia học tập.

Đồng thời phải củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục thường xuyên nói riêng đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Quan tâm hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập thường xuyên. Đặc biệt cần coi trọng tuyển dụng, sử dụng, đánh giá người lao động không theo bằng cấp mà theo năng lực, có như vậy mới thúc đẩy được người học.

Dự thảo Luật Giáo dục sẽ được thảo luận cho ý kiến trong kỳ họp này, ông cũng là một đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp, ông có sửa đổi hay bổ sung gì thêm về nội dung giáo dục thường xuyên trong dự thảo Luật?

Về cơ bản tôi nhất trí với quy định về giáo dục thường xuyên trong dự thảo. Ngoài ý kiến về việc cần định danh rõ ràng các trung tâm GDTX như tôi đã đề cập ở trên, còn một nội dung nữa mà tôi cũng mong muốn được đưa vào dự thảo Luật nhưng hiện nay chưa nhắc tới, đó là phải bổ sung thêm quy định: Phương pháp dạy học người lớn được đưa vào chương trình đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm.

Thực tế hiện nay tại các trường sư phạm chưa có những khoa, ngành đào tạo giáo viên chuyên sâu về phương pháp dạy học cho người lớn. Việc thiếu phương pháp giảng dạy, thiếu chuyên môn là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục thường xuyên.

Giáo dục thường xuyên là tất cả các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, được tổ chức theo phương thức giáo dục không chính quy và phi chính quy. Đối tượng học giáo dục thường xuyên chủ yếu là những người đang tham gia thị trường lao động hoặc đã nghỉ hưu. Giáo dục thường xuyên tạo cơ hội cho những người vì nhiều lí do khác nhau mà chưa có điểu kiện học tập chính quy hoặc có mong muốn tiếp tục được học tập để không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết phục vụ cho cuộc sồng.

Tôi mong rằng Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung sẽ xem xét thấu đáo trên mọi khía cạnh của giáo dục thường xuyên để hướng đến mục tiêu lớn nhất là không để ai bỏ lỡ cơ hội được học tập, dù ở bất kỳ hoàn cảnh hay độ tuổi nào.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Minh Thu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP