Gần đây, một clip được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người phụ nữ khá lớn tuổi có hành vi chửi bới trước cổng di tích lịch sử Đền Cuông, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi người phụ nữ trong clip tụt quần kèm theo lời lẽ thách thức tục tĩu. Dư luận rất bất bình bởi hành vi đó lại diễn ra trước cổng di tích quốc gia, nơi chốn thờ tự linh thiêng.
Ngay sau đó, một số tài khoản cá nhân có nhà hàng ăn uống tại TP Vinh còn đăng đàn kêu gọi sẽ không bao giờ tiếp thực khách nêu trên. Một số người sử dụng mạng xã hội cũng đã kêu nhau ủng hộ việc các cơ sở dịch vụ tẩy chay nếu thấy chị này xuất hiện tại TP Vinh....
Người phụ nữ ngang nhiên cởi quần “lộ hàng” chửi bới nhân viên BQL đền Cuông |
Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng Nghệ An đã vào cuộc và làm rõ. Thời gian xảy ra sự việc là lúc khoảng 16g ngày 26-2 (rằm tháng Giêng), bà T.T.P.M, SN 1969, trú TP Vinh, Nghệ An, cùng một nhóm người đến đền Cuông (xã Diễn An, huyện Diễn Châu) thắp hương, xin xăm đầu năm.
Quá trình xin giải xăm, người phụ nữ này xảy ra mâu thuẫn với nhân viên làm việc tại đền. Hai bên có lời qua tiếng lại với nhau. Sau đó khi chuẩn bị ra về thì xe của nhóm bà M đậu trước cổng đền nên tổ bảo vệ ra nhắc nhở, yêu cầu di chuyển. Quá trình nói chuyện, giữa bà M và nhân viên bảo vệ xảy ra cãi cọ lớn tiếng. Người phụ nữ này sau đó mở cửa, xuống xe và tụt quần rồi chửi bới, thách thức nhân viên ngay trước cổng đền.
Trao đổi với PV, ông Lê Khắc Hoàng – Thanh tra sở VH&TT tỉnh Nghệ An cho biết thêm: “Hiện, phía Công an huyện Diễn Châu đang xác minh cụ thể vụ việc, đối tượng. Sau khi nắm bắt thông tin thì Sở cũng đã ra làm việc với BQL đền Cuông để nắm bắt và chấn chỉnh. Kết quả vụ việc chúng tôi đang chờ cơ quan chức năng địa phương thông tin cụ thể. Quan điểm của sở là xử lý nghiêm khắc, răn đe và cũng yêu cầu BQL đền rút kinh nghiệm”.
Về việc này, luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, đền, chùa là chốn linh thiêng và là nơi được mọi người tôn kính, thờ phụng. Tuy nhiên, người phụ nữ trên lại dùng lời lẽ thô tục tại chùa và còn có hành vi khiếm nhã khiến mọi người và dư luận rất phẫn nộ.
Hành vi của người phụ nữ này là hành vi gây rối trật tự công cộng. Trật tự công cộng có thể hiểu là các quy tắc xử sự chung theo tập quán, chuẩn mực đạo đức hoặc các quy định của pháp luật ở nơi công cộng. Thực tế, những hành vi gây rối trật tự công cộng thường bao gồm các hành vi như: cử chỉ lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, gây mất trật tự ở lễ hội, trường học, chùa chiền, hoặc các nơi công cộng khác.
Di tích lịch sử Quốc gia Đền Cuông là nơi tâm tinh, văn hóa. |
Về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng:
Thứ nhất, xử phạt hành chính: Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi gây rối trật tự công cộng.
Theo quy định này, mức phạt hành chính đối với với hành vi gây rối trật tự công cộng tùy theo mức độ mà người có hành vi này có thể bị phạt tiền ít nhất là từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng và nhiều nhất là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và có thể kèm theo hình thức xử phạt bổ sung.
Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự: Dẫn chiếu Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội gây rối trật tự công cộng thì “Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo điều luật này, người có hành vi gây rối trật tự công cộng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi: (1) Hành vi đó gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, (2) Hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, (3) Hành vi đã bị kết án về tội này.
Thứ ba, đối với hành vi của người phụ nữ trên: Theo clip ghi lại cũng như báo chí phản ánh, người phụ nữ đã có hành vi sử dụng những lời nói thô tục với nhân viên của BQL đền thờ An Dương Vương tại Nghệ An, rồi còn có hành vi khiếm nhã (tụt quần) ngay tại đến, chốn đông người với thái độ thách thức. Điều nay gây ảnh hưởng đến tôn nghiêm của đền thờ, gây bức xúc cho nhiều người ở chùa cũng như nhiều người biết về tin này, và không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
"Hành vi của người phụ nữ này có thể chịu mức xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Và hành vi này chưa gây ra hậu quả mới mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức phạt tiền như vậy là còn thấp và chưa đủ sức răn đe đối với người có hành vi vi phạm. Các nhà làm luật nên xem xét thêm về quy định về mức phạt đối với hành vi gây rối trật tự công cộng nói chung và hành vi của người phụ nữ trên nói riêng để giảm thiểu tình trạng như trên và mọi người có ý thức hơn trong cư xử tại nơi công cộng, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam", luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết thêm.
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: Pháp luật & Xã hội