TS. Đỗ Quốc Tuấn trên bục giảng. |
Phóng viên tìm tới bộ môn Tin học Vật lý của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, phòng làm việc của các giảng viên gồm ba tiến sĩ và một thạc sĩ với lỉnh kỉnh máy tính, dây dợ... TS Đỗ Quốc Tuấn cho biết anh chính thức về giảng dạy tại khoa từ đầu năm 2016 sau 7 năm du học từ thạc sĩ đến tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Chiao Tung, Đài Loan. Công trình “Higher dimensional nonlinear massive gravity” (lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng) đã giúp anh giành giải trẻ Tạ Quang Bửu năm 2018. Giải thưởng sẽ được trao vào 18/5 tới.
Nhìn lại quá trình học tập tại xứ người, anh gọi đó là quãng thời gian “bán cả tuổi thanh xuân” để nghiên cứu khoa học. “Hãy thử tưởng tượng, trong thời gian làm tiến sĩ, chỉ năm đầu có vẻ thành thơi, còn những năm sau, lịch sinh hoạt của mỗi người gần như chỉ ăn ngủ - lên phòng lab. Tôi thường làm từ 12h trưa đến 4-5h hôm sau mới về ký túc xá nghỉ ngơi. Trường ĐH điện sáng xuyên đêm” – TS Tuấn kể.
Còn lùi lại thời gian xa hơn nữa, anh cho biết, từ thời còn là học sinh một trường THPT khu vực miền núi của tỉnh Ninh Bình (THPT Nho Quan B), anh đã yêu thích Vật lý. Chính vì vậy, tốt nghiệp THPT, anh chỉ có một lựa chọn là học ngành Vật lý của trường ĐH KHTN. Rồi cứ bình thường tiến đến khi xin được học bổng của Đài Loan thì đi du học 7 năm. Quay về Việt Nam, nhờ sự giới thiệu của GS Nguyễn Xuân Hãn, anh lại có cơ duyên gắn bó với nơi mà mình đã đặt trọn tình yêu với ngành Vật lý.
Bài báo 21 trang không phải chỉnh sửa
Sự nghiệp nghiên cứu khoa học của TS Đỗ Quốc Tuấn đến giờ đã có 8 bài báo được đăng trên các tạp chí Vật lý uy tín thế giới (tạp chí thuộc ISI). Trong đó, Công trình “Higher dimensional nonlinear massive gravity” (lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng) là một trong hai đề cử giải trẻ Tạ Quang Bửu năm 2018 có một “số phận” đặc biệt.
Anh cho biết, trong lý thuyết hạt cơ bản phổ biến hiện nay, hạt graviton (hạt truyền tương tác lực hấp dẫn) được cho là có khối lượng bằng không. Nhưng trong lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng (nonlinear massive gravity), hạt graviton được giả định có khối lượng khác không.
Do đó, nếu hạt graviton được chứng minh thật sự có khối lượng thì đó sẽ là cuộc cách mạng trong vật lý hạt cơ bản. Không những thế, nó có thể trả lời nhiều vấn đề mà con người tìm kiếm bấy lâu trong vũ trụ học như bản chất của năng lượng tối (liên quan tới hằng số vũ trụ) là gì. Trong vũ trụ học, năng lượng tối được cho rằng là nguyên nhân gây ra sự giãn nở tăng tốc của vũ trụ.
TS Đỗ Quốc Tuấn cũng khẳng định ý tưởng không gian - thời gian nhiều chiều không mới, nhưng chưa thấy ai nghiên cứu một cách cụ thể trong khuôn khổ lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng. Từ đó, anh tự tìm và tự xây dựng số hạng graviton trong không gian - thời gian nhiều chiều. Sau đó, anh đạt được thành công khi khảo sát 1 trường hợp cụ thể trong không gian - thời gian 5 chiều. Cụ thể, anh đã chỉ ra rằng bằng cách chọn không gian - thời gian vật lý và tham chiếu một cách phù hợp sẽ làm cho các số hạng graviton của lý thuyết hấp dẫn phi tuyến 5 chiều trở thành hằng số vũ trụ hiệu dụng, từ đó thu được nghiệm vũ trụ giãn nở. Như vậy, lý thuyết hấp dẫn phi tuyến 5 chiều hoạt động được về mặt vật lý. Công trình thực hiện gần hai năm, từ 2014 đến đầu 2016 với ý tưởng được khởi tạo khi anh còn là nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý, Đại học Quốc gia Chiao Tung, Đài Loan.
Trước đó, năm 2013 anh đã viết một bài cùng với giáo sư hướng dẫn về nghiệm vũ trụ giãn nở bất đẳng hướng của lý thuyết hấp dẫn phi tuyến 4 chiều và được đăng trên tạp chí Physical Review D của Hội Vật lý Mỹ.
Bài nghiên cứu thứ hai (chính là bài để xét tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu trẻ) cũng được công bố trên tạp chí Physical Review D năm 2016 - một trong những tạp chí uy tín hàng đầu trong giới vật lý lý thuyết, thuộc hệ thống tạp chí của Hội Vật lý Mỹ. Tiến sĩ Tuấn là người Việt Nam duy nhất của bài báo.
Trong năm 2016, anh cũng một mình công bố thêm một bài báo nữa trên tạp chí Physical Review D về một sự mở rộng quan trọng của lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng. Bài báo này cũng dài 21 trang, đăng trong vòng 2 tháng và không phải sửa chữa gì.
Rất ít sinh viên Việt Nam có đam mê nghiên cứu
33 tuổi, 8 bài báo quốc tế ISI, trong đó có 2 bài đứng một mình trên tạp chí nổi tiếng thế giới (Physical Review D), lương hơn 6 triệu đồng/tháng, TS. Đỗ Quốc Tuấn tạm hài lòng với cuộc sống của mình. Anh cho biết với mức lương hiện tại (vì anh cũng mới về làm việc tại trường được hơn 2 năm), không dư dả nhưng đủ trang trải cho cuộc sống bình thường. Có thể nói, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của anh mới bắt đầu nhưng đã có những thành công nhất định.
Với đội ngũ sinh viên đang giảng dạy, anh cho biết thời nào cũng có những người đam mê. Nhưng con số này càng ngày càng ít. “Lớp tôi đang dạy chỉ có 2 - 3 bạn có tố chất có đam mê muốn nghiên cứu. Còn xu hướng chung là sinh viên không muốn theo khoa học cơ bản. Muốn có sức hút thì phải cho sinh viên thấy được đầu ra cũng như cái hay của việc học khoa học cơ bản như thế nào” - TS Đỗ Quốc Tuấn nêu thực tế.
Anh cho biết ngành Vũ trụ học hiện nay đang có rất nhiều vấn đề có thể nghiên cứu. Đây có thể coi là thời điểm vàng của Vũ trụ học. Ví dụ như bài toán năng lượng tối, vật chất tối, vũ trụ lạm phát vẫn đang là những câu hỏi lớn chưa có lời giải thấu đáo. Nhưng rất buồn là ở Việt Nam rất ít người làm về những vấn đề này.
“Lớp tôi đang dạy chỉ có 2 - 3 bạn có tố chất có đam mê muốn nghiên cứu. Còn xu hướng chung là sinh viên không muốn theo khoa học cơ bản”. TS Đỗ Quốc Tuấn |
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong