Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 9/11 quy định từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,39 triệu lên thành 1,49 triệu đồng/tháng.
Mức lương cơ sở này sẽ được dùng làm căn cứ để tính lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Đây cũng là mốc được dùng để tính hoạt động phí, sinh hoạt phí và các khoản trích lập, các chế độ thưởng theo mức lương này.
Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước từ ngày 1/7/2019 cũng được điều chỉnh tăng cho phù hợp với quy định mới.
Với việc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước được chia thành 6 ngạch (A3; A2; A1; A0; B; C) và 12 bậc hiện nay, việc điều chỉnh mức lương cở sở cũng giúp mỗi bậc trong từng ngạch tăng một phần so với mức thực lĩnh hiện nay.
Như với công chức loại A3, tính lương bậc 1, nhân hệ số 6,2, mức lương thụ hưởng hiện nay là 8,6 triệu đồng/tháng, nhưng từ tháng 7 năm sau sẽ được tăng lên 9,24 triệu đồng/tháng, tăng hơn 600.000 đồng mỗi tháng.
Tương tự với các công chức loại A2, thuộc nhóm 1 có hệ số lượng nhân 4,4, mức lương hàng tháng sẽ tăng lên 6,56 triệu đồng từ 6,11 hiện nay.
|
Theo thống kê của Zing.vn, việc tăng lương cơ sở sẽ giúp mức lương công chức, cán bộ các bậc, nhóm tăng 200.000-800.000 đồng tùy hệ số. Trong đó, mức lương tối đa với các cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước sẽ tăng lên mức 11,92 triệu đồng/tháng, hơn 800.000 đồng so với mức thực lĩnh hiện nay. Nếu tính trong vòng 2 năm qua, mức lương tối đa này cũng đã tăng tới 1,5 triệu đồng (mức lương công chức tối đa vào năm 2017 là 10,4 triệu/tháng).
Trong khi đó, mức lương công chức thấp nhất cũng sẽ được nâng lên 2,01 triệu/tháng đối với các công chức loại C thuộc nhóm 3, mới khởi đầu và được nhân hệ số lương 1,35.
Mức lương này chưa bao gồm các khoản thưởng, trợ cấp hay phụ cấp đối với từng vị trí cụ thể.
Thống kê năm 2016 trước đó, cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Các đối tượng nghỉ hưu, hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách khác cũng lên tới gần 7,5 triệu người, tương đương 8,3% dân số.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, 50% chi ngân sách thường xuyên đang phải dành cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách. Số này tương đương 1/3 tổng chi ngân sách Nhà nước. Năm 2017, tổng chi ngân sách vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, thì khoảng 400.000 tỷ đồng dành cho chi trả lương, trợ cấp.
Mới đây, đề án cải cách chính sách tiền lương cũng đã được đưa ra thảo luận. Trong đó, nêu lên hàng loạt cải cách với khu vực công, bao gồm cả cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới, gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và tiền thưởng (nằm ngoài quỹ lương, bằng khoảng 10% tổng quỹ lương). Trong khi quy định hiện hành, mức lương cơ bản chiếm 100%, chỉ những ngành đặc thù có phụ cấp.
Theo đề án mới, hệ thống thang, bảng lương cũng sẽ được bãi bỏ để ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Nội dung cải cách này được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất, mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.
Tác giả: Quang Thắng
Nguồn tin: zing.vn