Thế giới

Mắc kẹt giữa Mỹ và Iran, Iraq sẽ theo ai? ​

Tiến trình chính trị của Iraq khả năng lớn sẽ chịu ảnh hưởng vì quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ.

Iraq sẽ bầu cử quốc hội vào ngày mai (12-5). Al Jazeera dẫn nhận định nhà báo, nhà bình luận chính trị Haider Saeed rằng cuộc bầu cử ngày 12-5 sẽ khác với các cuộc bầu cử trước khi diễn ra một năm sau khi đánh bại IS, nhưng quan trọng hơn còn vì diễn ra trong bối cảnh khu vực đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Nói cách khác, sự xấu đi trong quan hệ giữa Mỹ và Iran gần đây liên quan việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đang đe dọa đến nỗ lực kiến tạo một chính phủ dân tộc vượt lên các chia rẽ về giáo phái và các bất đồng chính trị nội tại ở Iraq.

Trong khi Mỹ ủng hộ chính phủ Thủ tướng Haider al-Abadi thì Iran ủng hộ các lực lượng dân quân ở Iraq.

Điều Iran muốn trong cuộc bầu cử này là có một chính phủ Iraq ủng hộ mình để đè bớt ảnh hưởng của Mỹ, thậm chí buộc Mỹ phải rút khỏi Iraq. Nếu điều này xảy ra, vị thế Iran ở Trung Đông sẽ được củng cố hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng Iran sẽ đáp lại các hành động đối đầu của Mỹ và đặc biệt chuyện rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mới đây bằng cách mở rộng hơn, củng cố ảnh hưởng ở các nước láng giềng. Theo ông Mahjoob Zweiri, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh tại đại học Qatar, thì Iran đã có động thái ra tay với quyền lợi Mỹ ở Iraq khi tuần trước nêu khả năng ông al-Abadi rời ghế thủ tướng Iraq.

Theo ông Zweiri, Iran muốn chuyển thông điệp rằng Iran sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ muốn làm áp lực Iran về thỏa thuận hạt nhân, mà nơi Iran hành động đầu tiên là Iraq.

Áp phích cổ động cuộc bầu cử quốc hội trên đường phố TP Basra (Iraq). Ảnh: GETTY IMAGES

Trong khi đó với Mỹ, theo chuyên gia Saeed, không nghi ngờ gì chuyện ông al-Abadi - vốn chủ trương duy trì cân bằng quan hệ với Mỹ, Iran - giữ được chức thủ tướng sẽ có lợi cho Mỹ. Ông al-Abadi là lãnh đạo người Shiite duy nhất ở Iraq chưa hề qua thăm Iran trong suốt thời gian tại nhiệm.

Nói với Al Jazeera, nhà phân tích Aymenn Jawad al-Tamimi tại Diễn đàn Trung Đông cho rằng Mỹ rất xem trọng chuyện duy trì ảnh hưởng ở Iraq để đối trọng với ảnh hưởng của Iran. Với diễn biến hiện tại, một khi đã chọn đối đầu hơn với Iran thì chuyện này càng quan trọng với Mỹ.

Theo nhà nghiên cứu Renad Mansour tại tổ chức nghiên cứu chính sách Chatham House (Anh), tầm quan trọng về địa chính trị của Iraq cũng là một lý do Mỹ muốn giữ bằng được ảnh hưởng của mình ở đây. Theo ông, Mỹ biết rõ nếu mất ảnh hưởng ở Iraq đồng nghĩa Mỹ không còn nhiều ảnh hưởng ở khu vực.

Vì thế theo chuyên gia Saeed, trong tương lai gần Iraq sẽ buộc phải lựa chọn sẽ theo ai bỏ ai. Nói cách khác, Thủ tướng al-Abadi - được dự đoán sẽ thắng cử nhiệm kỳ hai - thời gian qua đã cân bằng rất tốt các quyền lợi của Mỹ và của Iran tại Iraq, nhưng thời gian tới điều này sẽ khó khăn hơn nhiều.

Tác giả: Đăng Khoa

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP