Thực ra cũng không có gì to tát khi nói đến bố mẹ chồng của chị. Họ khá tốt bụng, sống vui vẻ, xởi lởi nhưng điều khiến chị suy nghĩ chính là mẹ chồng điệu thái quá. Khi mới về làm dâu, chị thấy tủ quần áo của mẹ chồng mình thậm chí còn nhiều và sặc sỡ hơn quần áo của mình, dù lúc ấy bà đã hơn 65 tuổi. Cứ hoa văn rực rỡ, màu sắc “nóng bỏng” bà mới chịu mặc. Nhiều lúc chị có cảm giác mẹ mình mặc đồ và đi lại trong nhà như một… chú công sặc sỡ vậy. Lúc đó chị không dám nói với ai, chỉ bụm miệng cười một mình và nghĩ như thế. Sau này khi cùng chồng sang Nhật mấy năm theo nhiệm vụ công tác của anh, chị vẫn giữ thói quen đi đâu thấy bộ quần áo nào bắt mắt đều muốn mua về tặng mẹ chồng, chắc bà sẽ vui với món quà này.
Vấn đề ở chỗ, việc ăn mặc điệu đà của mẹ chồng chị nhiều khi không đúng lúc, đúng chỗ. Đã vậy, mẹ đẻ của chị lại là người khiêm tốn, giản dị, nên khi thấy bà thông gia ăn mặc như vậy, có phần cảm thấy không vừa mắt. Nhiều khi bà góp ý với chị, bảo chị nhắc khéo mẹ chồng. Chị chỉ biết cười trừ, bởi chị biết bà sẽ không nghe. Và cũng bởi chị biết lý do mà mẹ chồng chị muốn ăn diện là để đẹp trong mắt chồng mình. Thế mới nên chuyện!
Khi trở về từ Nhật và sống chung với ông bà, anh chị mới phiền não với chuyện ăn mặc của bà. Bố chị mỗi khi đi đâu, làm gì, bà đều muốn đi cùng ông, từ cuộc họp tổ dân phố, đến buổi gặp mặt tổ thơ cựu chiến binh. Mỗi lần như vậy, mẹ chị lại nháo nhào lên đòi chọn hết bộ này đến bộ kia. Có hôm chị đang làm ở cơ quan, giật mình khi thấy mẹ chồng hốt hoảng gọi mấy cuộc, chỉ để hỏi ý kiến chị xem nên mặc bộ nào cho đẹp để đi với chồng. Bố chồng chị, dĩ nhiên không hài lòng. Nhưng ông biết tính vợ mình nên đành nhượng bộ bà nhiều cuộc. Có những lúc ông cảm thấy xấu hổ với bạn hữu khi vợ mình lựa chọn những bộ cánh không được phù hợp với bối cảnh, màu sắc thì có phần lòe loẹt. Ông nhắc nhở nhiều lần nhưng bà không nghe. Ông nhờ chị nhắc, chị cũng khéo léo góp ý nhưng bà không thông.
Ảnh minh họa |
Đến lượt mẹ đẻ của chị có lần sang chơi thấy mẹ chồng chị cứ mất thời gian lựa cái này, chọn cái kia, bà thấy khó chịu quá mới buột miệng: “Tôi thấy tủ quần áo của bà phải đến cả trăm bộ váy ấy nhỉ, bộ nào cũng rực rỡ! Nhưng nhiều quá đôi khi cũng mất thời gian lựa chọn bà nhỉ!”. Chỉ vì câu nói ấy mà mẹ chồng của chị giận bà thông gia đến mấy ngày, khiến cả anh lẫn chị cứ chạy đi chạy lại để tìm cách giảng hòa hai bà. Mẹ đẻ của chị nóng tính, thấy thông gia như vậy nhiều khi cũng không giữ được bình tĩnh. “Con cứ đi hỏi chồng con mà xem, chính nó than phiền với mẹ là nó thấy mẹ của nó nhiều khi điệu đà quá, nhìn sốt cả ruột! Nói thế cũng phải biết giữ thể diện cho chồng, cho con chút chứ! Thay vì quần quần áo áo, bà dành thời gian chơi với các cháu, dạy các cháu học có phải bổ ích hơn không!”. Mẹ chị nói vậy, chị nghe cũng không phải không có lý nhưng biết làm sao được khi điều đó đã trở nên cố hữu?
Một lần, bố chồng chị đi họp mặt hội cựu chiến binh, không báo với bà vì ông cố tình muốn tránh, không để vợ tham gia cuộc này vì được quán triệt là cuộc này chỉ họp mặt nội bộ. Ông về muộn, lại có tí men nên khi về, bà giận ông lắm, cho là ông không thèm quan tâm đến bà, chắc có bà nào khác khiến ông để ý hơn. “Ôi, tôi chỉ có mỗi con công sặc sỡ là bà thôi!
Bà biết rồi còn cố tình ghen bóng ghen gió làm gì, già rồi, cứ an yên mà chơi với các cháu, hưởng thụ tuổi già có phải hay hơn không! À mà mấy đồng đội nữ không thấy bà đâu, cứ hỏi tôi mãi đấy, còn bảo chắc là bà mải bận đi chọn váy áo rồi!”, thấy chồng nửa đùa nửa thật, bà nghe xong cứ lặng người. Hóa ra lâu nay trong mắt chồng, bạn của chồng, thậm chí với thông gia và các con, bà chẳng khác gì… con công sặc sỡ, hay con cá bảy màu gì đó, mải làm đẹp mà quên đi những giá trị khác của bản thân. Lần này bà giận ông thật nhưng bà giận bản thân mình nhiều hơn! Có lẽ bà phải thay đổi, nếu không muốn những người thân quanh mình nghĩ mình như vậy. Ngày mai, bà sẽ dọn bớt tủ quần áo của mình.
Tác giả: Nhật Lam
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam