Những ngày tháng đen tối nhất
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở mảnh đất khô cằn huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An), lại không có ruộng nên chị Nhi vốn vất vả từ nhỏ. Nghỉ học sớm, chị bươn chải đủ nghề để phụ gia đình nuôi các em ăn học. Từ đi cấy thuê, gánh hàng rong bán,.. không có việc gì mà chị không làm qua, đôi chân chị cũng đã đi qua khắp các xã trong huyện. Đến khi lấy chồng, những tưởng cuộc đời chị sẽ rẽ sang một trang mới. Thế nhưng, niềm hạnh phúc chỉ kéo dài vài năm, thì chồng chỉ đổ bệnh, khi đến cơ sở y tế khám thì mới hay anh bị ung thư giai đoạn cuối. Gánh nặng cuộc đời lần nữa lại đè thêm lên đôi vai của chị.
Vì chữa bệnh cho chồng, của cải trong nhà gồng gánh mà đi, thậm chí chị còn vay nóng nhiều nơi. Cứ ngỡ “của đi thay người”, thế mà bao nhiêu của cải đổ vào cũng chẳng thể giữ chồng ở bên cạnh được. Chồng chị qua đời không lâu sau đó, để lại cho chị 3 người con nhỏ nheo nhóc và những khoản nợ chưa biết khi nào mới trả được.
Dù còn khó khăn nhưng chị Nguyễn Thị Nhi vẫn quyết định viết đơn xin được rút ra khỏi hộ nghèo, để nhường cơ hội cho các gia đình khác. |
“Đến giờ tôi cũng không biết mình trải qua giai đoạn đó như thế nào nữa. Công việc gì tôi cũng làm, không hề ngại nặng nhọc, chỉ mong có tiền nuôi con. May là lúc đó còn có hàng xóm láng giềng giúp đỡ, lại được xếp trong danh sách hộ nghèo nên các con đi học được miễn học phí, đi khám không mất tiền, cuối năm còn có vài trăm với mấy cân gạo,.. Cứ quần quật quanh năm suốt tháng, quay đầu nhìn lại thì thấy mọi chuyện cũng qua chú ạ”, chị Nhi kể.
Thời gian thấm thoắt, đến nay, người con gái đầu của chị đã 23 tuổi và lập gia đình riêng, và người con thứ 2 của chị đã lên lớp 12, cũng đỡ đần được mẹ ít nhiều. Dẫu còn khoản nợ hơn 100 triệu chưa trả hết, ba mẹ con chị vẫn đang sống trong căn nhà cũ lụp xụp nhưng với chị, những ngày tháng đen tối nhất đã qua, tương lai phía trước dẫu khó khăn thế nào chị cũng không còn e ngại.
Nhường chính sách cho hộ khó khăn hơn
Tháng 10/2018, sau khi tham khảo ý kiến của các con, chị Nhi mạnh dạn viết đơn xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo, theo chị là để nhường chính sách này lại cho người khác. Thời điểm đấy, nhiều người trông vào hoàn cảnh của chị vẫn bảo chị dại, tự dưng không ai bắt lại từ bỏ quyền lợi làm gì. Thế nhưng, trải qua gian khó, chị hiểu được ý nghĩa của sự sẻ chia, giúp đỡ, của “chia ngọt sẻ bùi”.
3 mẹ con chị Nhi sống qua ngày dựa vào quán tạp hóa nhỏ |
“Nhà tôi cũng chưa hết vất vả đâu, nợ vẫn còn, con còn ăn học nhưng bây giờ đã đỡ hơn trước kia nhiều rồi. Hiện tại tôi có nhà để ở, các con ngoan ngoãn chịu khó học hành, tôi còn sức khỏe để chăn nuôi và buôn bán tạp hóa kiếm đống ra đồng vào nên mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Mình khó nhưng có người còn khó hơn mình nhiều, giờ là lúc tôi nên nhường cho người khác rồi” chị Nhi chia sẻ.
Bà Tăng Thị Nhung, Phó chủ tịch UBND thị trấn Lạt cho biết thêm: “Gia đình chị Nguyễn Thị Nhi có hoàn cảnh éo le, chồng bị bệnh hiểm nghèo qua đời. Hiện một mình chị phải chăm lo cho 2 con ăn học. Vì vậy, việc chị tự nguyện rút ra khỏi hộ nghèo là hành động rất đang khen”.
Tết năm nay, gia đình chị Nhi đã không còn là “hộ nghèo”, không còn được nhận quà dành cho hộ khó khăn nữa. Thế nhưng, đối với chị điều đó lại là niềm vui khi những vất vả bao tháng ngày qua đã được đền đáp và tấm lòng thơm thảo của chị được mọi người ghi nhận.
Tác giả: Nguyên Khôi
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam