Nhân ái

Mẹ già 85 tuổi còng lưng nuôi chồng, con bệnh nặng

“Cố nuốt đi mà có tí sức, mà còn được sống để chăm sóc, để còn có cơ hội tiễn đưa bố mi hôm nào về với tổ tiên, mi đi trước bố mi mần răng được”. Vừa run run đút cho đứa con gái 60 tuổi đang quằn quại miếng cơm vì chứng bệnh viêm phổi nặng, cụ bà 85 tuổi ốm yếu lại lom khom lê từng bước sang xoa lưng, bóp bụng cho người chồng, cụ ông đã ngoài 90 tuổi bị ung thư nằm chờ chết. Nhìn tình cảnh 3 con người già mà cứ rưng rưng.

Một nỗi đau tê tái cho những kiếp người khốn khổ, bất hạnh lại hiện rõ. Trong ngôi nhà gỗ thấp tè, thưng bằng vách đất, lợp lá cọ được gia cố thêm những tấm phê rô xi măng ấy, cụ bà 85 tuổi ốm yếu, lom khom, nước mắt lưng tròng nhìn người chồng (cụ Võ Tá Thỉ, 91 tuổi) và con gái (chị Võ Thị Hoàng, 60 tuổi) quằn quại, van khóc vì những cơn đau dữ dội.

Bên trong ngôi nhà lụp xụp, ẩm mốc này là 3 mảnh đời đang quá thương tâm

Cụ Hương, 85 tuổi, một tai bị điếc không còn nghe rõ, người ốm yếu lại đang phải gồng mình chăm nuôi chồng 91 tuổi bị bệnh tim và con gái không chồng con bị lao phổi, trụy tim.

Trên chiếc giường nhỏ, cụ Thỉ nằm thoi thóp, đôi mắt mở lim dim, khóe mắt một bên nhỏ lệ. Gắng hỏi cụ vài câu, nhưng cụ không nói được, người rất khó thở. “Không ai nói vì sợ cụ sốc, chứ cụ bị bệnh ung thư đã khá lâu, nằm một chỗ từ vài năm nay rồi”- chị Hòa, một người hàng xóm vừa mang ít rau sang giúp đỡ bữa trưa cho mấy con người khốn khổ, nói với tôi.

Neo người, lại không có tiền nên cụ Thỉ buộc phải nằm nhà. Ngày ngày cụ Hương phải đun nước nóng đổ vào chai rồi chườm cho cụ Thỉ.

Neo người, lại không có tiền để lo thuốc thang, nên cụ Hương đã phải tự lo liệu cho cụ Thỉ. Mỗi buổi sáng để giảm những con đau cho cụ Thỉ, cụ Hương thường đun nước nóng đổ vào chai rồi vén áo, lăn ở vùng bụng cho người chồng bệnh tật. Một ngày cụ Thỉ lên bao nhiêu cơn đau, là bấy nhiêu lần cụ Hương lại phải lật đật xuống bếp đun nước, xoa bóp cho chồng.

Cụ Thỉ bệnh tật là vậy nhưng còn đỡ hơn đứa con gái 60 tuổi không chồng con. Chứng bệnh lao phổi, trụy tim đã khiến chị Hoàng phải liên tục bị những cơn đau dữ dội hành hạ. Người phụ nữ 60 tuổi ốm yếu, xanh xao thường xuyên khó thở, nhiều lần chị chết đi sống lại.

Chị Hoàng thường xuyên lên cơn đau, người thiếu sức sống.

Mới rồi thương quá, thương chị đau vật vã, ai đến thăm cũng thấy thương tình, nên bà con trong xóm gom góp tiền thuê cho chị một bình ô xi trợ thở. Đau, sức khỏe rất yếu, đã mấy ngày chị Hoàng không ăn được. “Trẻ cậy cha, già cậy con”, ấy vậy mà cụ Hương đã phải vắt hết chút sức lực cuối cùng của thân già để chăm sóc đứa con gái bệnh tình, bất hạnh của mình.

Người mẹ già đau đớn nhìn đứa con duy trì sự sống bằng máy trợ thở

Nhìn đứa con gái đang ốm yếu, không biết từ giã cõi trần khi nào, bưng bát cơm đạm bạc lên cố đút cho con mà nước mắt lại rơi trên khuôn mặt nhăn nhó, già nua của người mẹ già khốn khổ. “Cố nuốt đi mà có tí sức, mà còn được sống để chăm sóc, để còn có cơ hội được nhìn bố mi (con) về với tổ tiên. Mi đi trước bố mi mần răng được. Mi đi trước thi còn ai chăm bố mi”- cụ Hương sụt sùi ép chị Hoàng nuốt thìa cơm khi mấy lần cụ run rẩy đôi tay đút cho con mà con gái không thèm buồn ăn.

Người mẹ gia khóc sướt mướt, cố đút cho con hái thìa cơm.

Nhưng người con không thể nào nuốt được vì quá yếu.

85 tuổi, ốm yếu lắm rồi, một tai cụ Hương cũng điếc hẳn, để nghe được đã rất khó khăn, vậy mà tất cả cứ đè lên đôi vai đã quá yếu hèn của cụ. Đôi tay, đôi chân đã sần sùi, không thể sần sùi, chai mòn hơn được nữa, vậy mà bất kể nắng mưa cụ Hương đều tìm đến chợ, chắt bóp lo liệu cái ăn cho hai con người bệnh tật nằm nhà. Bà con ở chợ, người dân thương tình cảnh của bà thi thoảng không lấy tiền, hoặc còn cho thêm. Miếng nào ngon nhất bà cụ cũng dành cho chồng và con gái.

Cụ Hương bật khóc trước tình cảnh nghiệt ngã của chồng con và chính của cụ.

Cũng thật may mắn cho cụ Hương, sống ở vùng quê Thạch Trung giàu tình yêu thương, xóm làng ngọt bùi, hoạn nạn sẻ chia, nên cụ đã bớt đi được chút ít khó khăn, cho cụ thêm nghị lực để chăm chồng, con bệnh tật. “Nếu không có chính quyền, bà con ở đây có lẽ vợ chồng tui và con gái đã không thể sống đến hôm nay”- cụ Hương sụt sùi nói.

Tặng cụ Hương món quà nhỏ, tôi rời ngôi nhà của những mảnh đời đang bị bệnh tật giày vò, cuộc sống đang lay lắt như ngọn đèn le lói trước giông bão mà quá thương cho những kiếp người quá bất hạnh.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3098: Cụ Nguyễn Thị Hương, xóm Bắc Quang, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh

(Bạn đọc gặp cụ Hương, xin nối số máy điện thoại 0913600905 của ông Nguyễn Văn Quang, trú cùng xóm)

STK: 3700205124164, Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP