Người dân xóm Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội không ai không biết đến gia đình chị Đặng Thị Hải bởi từ nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của chị luôn chật chội bởi những tiếng tranh luận... của hơn 10 đứa trẻ.
Năm 1988 anh Ngô Doãn Năm và chị Đặng Thị Hải nên duyên vợ chồng và sinh sống trong một ngôi nhà vẻn vẹn chưa đầy 30m2 với chút vốn liếng ít ỏi.
Khó khăn này chưa qua khó khăn khác đã đến, 14 đứa con lần lượt ra đời như ghì nặng lên đôi vai gầy của anh chị. Nói gì đến chuyện học hành, chỉ cơm gạo nuôi chúng nó khôn lớn đã là quá sức với anh chị nên cái nghèo cứ thế đeo bám mãi.
14 lần sinh nhưng anh chị chỉ giữ lại được 13 người con, ấy vậy mà cả gia đình 15 thành viên đó đã bao năm nay sinh sống trong ngôi nhà chật hẹp khiến cho cuộc sống của họ như bế tắc.
Ngôi nhà chưa đầy 30m2 này là nơi sinh sống của gia đình chị Hải và 13 đứa con |
Gánh nặng mưu sinh để chăm lo cho đàn con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn khiến sức khỏe anh Năm ngày một suy giảm mà không có tiền bồi dưỡng. Sau nhiều năm cày ải, bệnh tật năm 2016 anh qua đời để lại chị Hải và đàn con thơ.
5 đứa con đầu của chị đang tuổi chớm lớn nhưng đã lần lượt lập gia đình và ra sống riêng. Tuy nhiên, cuộc sống vất vả khó khăn nên các con không đỡ đần được nhiều cho chị trong việc nuôi các em khôn lớn. Gánh nặng nuôi dưỡng 8 đứa con cũng vì thế đè nặng lên một mình đôi vai vốn đã nặng trĩu trong nhiều năm qua của chị.
Ngôi nhà dựng tạm này là nơi chị Hải và các con đang sinh sống |
Khẽ gạt đi những giọt nước mắt, chị Hải chia sẻ: “Mấy năm trước, căn nhà cấp 4 lụp xụp, xuống cấp trầm trọng, mẹ con chị phải chuyển ra sống trong thùng container được cải tạo tại khu đất dự án của phường Đồng Mai. Khu đất này là vợ chồng chị xin phường cho mượn tạm để tăng gia nhưng ở đây chỗ vệ sinh, tắm rửa không có nên các con chị rất khổ”.
Không chỉ là nơi sinh sống, đây cũng là nơi chị Hải chăn nuôi, mò cua, bắt ốc, trồng sen tạo ra nguồn thu nhập duy nhất của gia đình.
Việc chồng mất sớm, 6 đứa con đang tuổi đến trường khiến chị Hải đã cơ cực những năm qua lại càng thêm cơ cực hơn. Thẳm sâu trong ánh mắt của người phụ nữ khắc khổ ấy là những lo âu, những nỗi khổ cả về tinh thần lẫn vật chất mà chẳng biết nói cùng ai. Hơn 30 năm qua chị chưa từng được nghỉ ngơi, được yên lòng dù chỉ một phút. Ngày mưa giông hay nóng bức, cứ 3 giờ sáng chị lại dậy ra đầm kéo vó kiếm tôm, cua, cá mang ra chợ bán lấy tiền. Về sớm chị lại ra đồng cắt cỏ, hái sen hay đi kéo xe bò thuê. Buổi chiều, đứa lớn lại theo mẹ ra đầm kéo vó, mấy đứa nhỏ thì ở nhà tự lo cho nhau.
Mới ngoài 50 nhưng chị Hải trông già nua, khắc khổ sau chuỗi năm tháng vất vả vì nuôi dưỡng con cái |
Cuộc sống khắc khổ nên mới ngoài 50 nhưng gương mặt chị già nua, đen sạm. Sự vất vả, khó nhọc đã in hằn lên gương mặt gầy gò của người phụ nữ chịu thương chịu khó này. Ở cái tuổi rệu rạo của cuộc đời nhưng chị vẫn chưa thể nghỉ ngơi, chút sức già còn lại vẫn phải lặng lẽ mưu sinh vì đàn con nhỏ.
“Dù nhà đông con nhưng chị vẫn chưa thể đặt kỳ vọng vào bất cứ đứa nào. Đã có lúc chị từng nghĩ tới cái chết, lúc ấy hơn nửa tháng trời chị không ăn cơm nhà, độc chỉ ở ngoài đồng mà vắt tay lên trán suy nghĩ”, chị Hải buồn rầu tâm sự.
Vẫn còn 6 đứa con chưa đủ lớn đang hàng ngày chờ đợi mẹ mang những đồng tiền ít ỏi về nhà để sống tạm bợ qua ngày |
Khi được hỏi về tương lai chị Hải như chỉ chờ có thế để mặc cho hàng nước mắt rơi ướt nhèm hai gò má hóp lại, gầy gò. Hướng đôi mắt đượm buồn về bãi đầm - nơi đem lại nguồn sống cho cả gia đình, giọng chị nghe đắng ngắt, nghẹn ngào: “Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, sắp tới đất đồng vào dự án nhà nước lấy đất chị cũng không biết đi làm gì. Chắc lúc ấy chị sẽ đi làm thuê, ai thuê gì làm đấy, miễn sao kiếm được chút tiền nuôi các con...”.
Nhìn người phụ nữ khắc khổ ấy một nỗi đau nhói lại trào lên như ám ảnh. Hiến trọn đời mình cho những đứa con nhưng biết đến bao giờ chị mới được một ngày bình yên không lo nghĩ khi mà đàn con của chị vẫn như những chú chim non chưa thể một ngày xa mẹ.
Tác giả: Lê Thư
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam