Trong nước

Miền Trung ứng phó áp thấp nhiệt đới

Dự báo từ nay đến ngày 28-9, khu vực miền Trung tiếp tục có mưa to đến rất to, có nơi trên 450 mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong ngày 25-9, khu vực miền Trung từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi bị ngập sâu, gần 100 nhà tốc mái, 6 người bị thương.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến cuối ngày 25-9, lực lượng quân đội, công an phối hợp với chính quyền các địa phương giúp người dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhà bị tốc mái do lốc xoáy khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Vào khoảng 9 giờ cùng ngày, mưa lớn kèm theo lốc xoáy do ảnh hưởng của ATNĐ gây nhiều thiệt hại ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Có 6 người bị thương, 84 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng tại các huyện Phú Vang, Quảng Điền và TP Huế. Trong đó, nặng nhất là phường Thuận An, TP Huế với 36 nhà tốc mái và 3 người bị thương. Mưa lớn cũng làm cho một cột điện trung thế bị đổ ngã. Một số khu vực ở TP Huế bị ngập cục bộ, gây khó khăn cho việc đi lại.

Tại TP Đà Nẵng, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường trung tâm thành phố bị ngập sâu. Tại ngã tư đường 30 Tháng 4 - Núi Thành, Phan Đăng Lưu - Lê Thanh Nghị và một số đoạn đường như Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Phước Nguyên, Trường Chinh, Trần Thái Tông, Phan Xích Long... bị ngập 30 cm. Riêng khu vực ngã ba Nguyễn Đình Tựu và hẻm 317 Nguyễn Phước Nguyên bị ngập sâu đến khoảng 1 m.

Hiện trên địa bàn thành phố có 1.166 tàu thuyền đang neo đậu tại các bến, trong đó có 740 tàu cá của Đà Nẵng, 253 tàu cá ngoại tỉnh. Ngoài ra, còn có 410 ghe, thuyền nhỏ. Trưa 25-9, chỉ có 1 tàu cá Đà Nẵng ở trong vùng di chuyển của ATNĐ, đang di chuyển vào Quảng Ngãi để bảo đảm an toàn.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở TP Đà Nẵng bị ngậpẢnh: HẢI ĐỊNH

Người dân phường Thuận An, TP Huế thu dọn đồ đạc sau khi nhà bị tốc mái Ảnh: Quang Nhật

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, hiện nay các địa phương đã hoàn thành việc thu hoạch lúa vụ hè thu. Tuy nhiên, còn 57,8 ha rau, màu và 53 ha mía chưa thu hoạch, có nguy cơ bị thiệt hại. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố là 222,7 ha. Trong đó, diện tích nuôi cá và thủy sản khác là 189 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 33,7 ha.

Tại tỉnh Quảng Trị, đến chiều 25-9, đã có 2.273 tàu/5.503 ngư dân vào khu neo đậu an toàn. Hiện vẫn còn 13 tàu/100 ngư dân của tỉnh này đang hoạt động xung quanh ngư trường đảo Cồn Cỏ, vùng biển Hà Tĩnh - Quảng Trị và vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận. Tỉnh này đã ghi nhận một trường hợp tử vong vì bị sét đánh trúng khi đang đánh bắt trên biển.

Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, lực lượng chức năng cứu sống thành công 3 ngư dân bị chìm thuyền ngoài biển. Sáng sớm 25-9, trong lúc đang khai thác sò trên biển, chiếc thuyền của ngư dân Nguyễn Văn Tùng ở Hà Tĩnh cùng 2 người khác không may bị sóng to, gió lớn đánh chìm, sau hơn 4 giờ ôm can nhựa lênh đênh trên biển, cả 3 ngư dân đã may mắn được cứu sống.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến chiều 25-9, Quảng Ngãi có 8 tàu với 56 ngư dân đang trong khu vực nguy hiểm của ATNĐ. Hiện lực lượng chức năng đã liên lạc được với các tàu này và yêu cầu các thuyền trưởng di chuyển tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tại huyện Lý Sơn, do ảnh hưởng ATNĐ nên trong ngày 25-9, UBND huyện này quyết định tạm dừng hoạt động tàu vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra mưa lớn kéo dài trong ngày 25-9. Trước dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương rà soát, triển khai phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản; tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Đặc biệt, các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ bảo đảm theo đúng quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của ATNĐ nên hôm nay (26-9) khu vực Bắc và Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, riêng Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có nơi trên 200 mm.

Từ nay đến ngày 28-9, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm, có nơi trên 450 mm.

Cơ quan trên cảnh báo do mưa lớn kéo dài, mô hình độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên đã gần bão hòa (trên 95%) hoặc đạt trạng thái bão hòa nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

V.Duẩn

Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP