Các doanh nghiệp sẽ triển khai việc dán nhãn năng lượng đối với các loại xe mô tô, xe gắn máy tự nguyện đến ngày 31/12/2019.
Việc dán nhãn như thế nào, quy cách, nội dung của nhãn dán ra sao, áp dụng cho những phương tiện giao thông cụ thể nào sẽ do Bộ Công Thương ban hành theo thẩm quyền và nhiệm vụ được Chính phủ giao.
|
Theo dự thảo, việc dán nhãn năng lượng áp dụng bắt buộc với xe moto, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn mới, hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Các loại xe khi được bán ra thị trường để lưu thông sẽ phải được thông tin một cách minh bạch về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe theo một phương pháp và chu trình đo đã được thống nhất. Mức tiêu thụ nhiên liệu này sẽ được ghi trên nhãn năng lượng dán trên xe để cung cấp cho khách hàng lúc mua xe biết, và mức này sẽ do nhà sản xuất đăng ký, công bố, có sự kiểm tra, xác nhận của cơ quan quản lý về thông tin công bố.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng ban hành thông tư số 40 quy định việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con buộc phải dán nhãn năng lượng từ ngày 1/1/2018. Theo đó, xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng đều phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.
Nhãn năng lượng cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn xe. Các cơ sở sản xuất, lắp ráp là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe từ linh kiện rời, hoàn toàn mới đang hoạt động theo quy định của pháp luật; Cơ sở nhập khẩu là tổ chức thực hiện việc nhập khẩu xe; Cơ sở kinh doanh xe là tổ chức, cá nhân thực hiện việc bán, phân phối xe ra thị trường phải thực hiện việc dán nhãn theo quy định nêu trên trước khi đưa ra thị trường.
Theo thống kê, tổng số xe đã đăng ký tại cơ quan công an tính đến 15/3 là 3,76 triệu xe ô tô các loại và hơn 55,1 triệu mô tô, xe gắn máy trên cả nước. Trong đó, xe máy là loại phương tiện giao thông đường bộ chủ yếu và tốc độ gia tăng về số lượng dự kiến vẫn tăng 10% trong những năm tới đây.
Trên thế giới, chương trình dán nhãn năng lượng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia như châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ. Ở khu vực Đông Nam Á có Singapore, Thái Lan cũng đang triển khai áp dụng việc dán nhãn năng lượng.
Tác giả: H.Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí