Du lịch

Mỏi mệt kỳ nghỉ lễ dài ngày tại phố biển

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua đã mang đến những ngày “mùa vàng bội thu” cho ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT). Dọc tuyến đường ven biển qua các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh này như Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Hồ Cốc, Bình Châu, người dân TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… đi “phượt” bằng xe hơi và xe gắn máy đông đúc, ken đầy các resort, bãi tắm công cộng.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh BR-VT, sau 4 ngày nghỉ lễ, số lượt khách du lịch đến thăm thú trên địa bàn tỉnh đạt gần 660.000 người, tăng 46,8% so với cùng kỳ; tổng doanh thu ước tính 255,2 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhiều du khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi tại BR-VT đã lắc đầu ngán ngẩm, bởi những khuyết điểm du lịch vẫn còn đó, chưa có gì thay đổi. Theo khảo sát chung tại các khách sạn gần khu vực Bãi Sau ở phố biển Vũng Tàu, giá phòng qua đêm từ 800.000-1.000.000 đồng/phòng, còn những khách sạn sang trọng, sạch sẽ có giá đắt hơn rất nhiều, từ 1,6–2,2 triệu đồng/phòng.

Các khách sạn nằm trong hẻm, cách xa biển một chút cũng có giá trên dưới 600.000 đồng/phòng, tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao mà giá phòng khách sạn nghỉ qua đêm có giá quá cao như vậy, cô lễ tân một khách sạn ở khu vực Bãi Trước (TP Vũng Tàu) phân bua: “Cả năm mới có mấy ngày lễ, tết nên giá phải cao hơn so với ngày thường. May cho anh là khách sạn còn một phòng duy nhất, nếu anh không ở thì chừng nửa tiếng nữa sẽ có người đến ở ngay”.

Ngoài chỗ nghỉ ngơi, còn nhiều dịch vụ khác cũng tăng cao trong dịp lễ. Tối 30-4, chúng tôi có dịp ghé một quán hải sản ở khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc (tỉnh BR-VT). Ngày thường, cá Cam chỉ chừng 45.000 đồng/kg, nay lên đến 80.000 đồng/kg. Một tô cơm trắng được chủ quán “hét” 100.000 đồng, khiến thực khách ngẩn ngơ. Hay như hồ bơi nước ngọt tại Khu du lịch Biển Đông, thuộc khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu), các cháu bé muốn xuống bơi lội, phụ huynh phải trả 250.000 đồng/vé. Không chỉ thế, người bán vé hồ bơi còn yêu cầu một người lớn phải mua thêm vé, với mức giá 350.000 đồng. Khi khách du lịch thắc mắc về bảng giá quá cao như vậy, thì hầu hết các chủ quán, nhân viên, lễ tân đều nói một kiểu rất vô tư: “Ngày lễ, tết thì khách du lịch phải chấp nhận vậy thôi, cả năm mới có một dịp như vậy mà”.

Và trong tâm lý chung, các “thượng đế” đành an ủi lẫn nhau, rằng cả năm mới có một lần đi du lịch hướng biển, nên cũng đành chấp nhận móc hầu bao.

Dù cảnh đẹp và bãi biển trên địa bàn tỉnh BR-VT rất thu hút du khách trong nước và quốc tế, thế nhưng các dịch vụ kinh doanh mang tính chất chặt chém như vừa nêu trên đã làm mất đi nét đẹp được thiên nhiên ban tặng. Rất nhiều người sau khi đi du lịch BR-VT trở về, đều mong mỏi cơ quan chức năng địa phương nên có những biện pháp mạnh tay ngăn chặn tình trạng chặt chém khách du lịch. Không chỉ thế, ngay như người dân TP Vũng Tàu cũng có ý kiến rằng, việc quảng bá ngành du lịch là rất cần thiết, song chính quyền hãy xây dựng hình ảnh đẹp hàng ngày bằng chính việc ngăn chặn tình trạng thổi giá dịch vụ ngày lễ, tết. Có như vậy việc thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm sẽ có tác dụng và ý nghĩa hơn nhiều.

Trong nỗ lực chấn chỉnh những “hạt sạn”, cơ quan chức năng tỉnh BR-VT nên có bảng thông tin đặt ở những điểm du lịch, để du khách dễ quan sát. Hay mạnh tay hơn, chính quyền sở tại có thể dán hình ảnh, ghi rõ tên hàng quán, địa chỉ các quán vi phạm về giá cả để khách du lịch nắm rõ. Các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, kinh doanh có biểu hiện lành mạnh, lịch sự thì cơ quan chức năng cũng nên có hình thức biểu dương và nêu tên để du khách biết đến.

Tác giả: Đông Gia (TPHCM)

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP