Tin trong tỉnh

Mong có nhà tang lễ để “việc tang được văn minh”

TP Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ với dân số khá lớn. Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa cao kéo theo hàng loạt khu đô thị, chung cư ra đời, nơi hàng chục ngàn người sinh sống. Thế nhưng ở thành phố thuộc tỉnh Nghệ An này vẫn chưa có nhà tang lễ (NTL), nên việc tang theo nếp sống văn minh còn nhiều bất cập, ảnh hưởng môi trường sống xung quanh.

Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chỉ đáp ứng cho các bệnh nhân điều trị bị qua đời và việc khám nghiệm tử thi của cơ quan công an

Được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2008 và đã được Chính phủ quy hoạch để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ, TP Vinh có dân số khoảng 500.000 người, với hiện có 86 tòa nhà chung cư, khoảng 14.898 căn hộ.

Thế nhưng, TP Vinh mới chỉ có hai NTL ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, hai NTL này chỉ đáp ứng cho những bệnh nhân điều trị không may bị qua đời và phục vụ việc khám nghiệm tử thi của cơ quan công an. Chính vì việc không có NTL chung dành cho cư dân thành phố Vinh nên vấn đề tang lễ cho người qua đời hiện nay còn rất nhiều bất cập, khó khăn. Khi cần phải lo hậu sự cho người đã khuất, mọi việc diễn ra hoàn toàn tự phát, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của gia chủ. Do tự phát nên ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự văn minh đô thị. Chưa kể đến vấn đề dịch tễ trong cộng đồng dân cư.

Anh Nguyễn Văn Hưng, hiện cư trú tại khu chung cư Golden City (xã Nghi Phú, TP Vinh) chia sẻ: “Bố mẹ tôi tuổi đã cao, sức yếu hiện đang sống cùng chúng tôi. Nếu sau này ông hay bà qua đời thì không biết làm tang lễ như thế nào đây. Chắc chắn không thể tổ chức tang lễ tại nơi mình đang ở được, vì sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư nơi đây”. Điều lo lắng của anh Hưng hoàn toàn có cơ sở, bởi tại quần thể khu chung cư Golden City có 4 tòa nhà, mỗi tòa đều có phòng sinh hoạt cộng đồng chung ở tầng 16, nhưng phòng sinh hoạt này chủ yếu dành để hội họp, không thể tổ chức được đám tang vì nó còn liên quan đến công tác phòng, chống cháy nổ. Chính vì vậy, đương nhiên không ai có thể tổ chức tang lễ tại căn hộ của mình khi không may có người qua đời.

Không chỉ những cư dân sống ở các khu chung cư, nhà cao tầng mới lo lắng, mà những gia đình sống ở “mặt đất” cũng có nhiều nỗi niềm trong vấn đề tang lễ. Bà Phan Hải Yến (trú tại phường Bến, TP Vinh) cho biết, “sợ nhất là khi trong khu phố có tang lễ. Gia đình tôi phải di cư khỏi nhà, mọi thứ đảo lộn...”. Vì chưa có NTL tập trung nên tang lễ thường được tang chủ tổ chức tại nhà. Họ dựng rạp, chiếm lòng, lề đường và vỉa hè dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và an ninh trật tự. Bên cạnh đó người chết có nhiều nguyên nhân khác nhau. Không ít người mắc các bệnh truyền nhiễm rồi qua đời dẫn đến dịch bệnh có thể phát tán, lây lan ra môi trường. Không những thế, người dân xung quanh còn bị bắt buộc nghe nhạc tang quá khung giờ và âm lượng quá mức cho phép. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và văn minh đô thị. Chúng tôi đã từng chứng kiến cùng một đường phố, nhà bên này tổ chức đám cưới, nhà bên kia tổ chức lễ tang. Nhà có đám tang đang tấu bài “Lòng mẹ” nỉ non, thì nhà tổ chức đám cưới lại vang lên bài hát “Hạnh phúc trăm năm”... Còn các hộ dân trong khu phố như bị “tra tấn” cùng lúc cả hai loại nhạc. Những thực cảnh trên, đều bắt nguồn từ việc không có “Nhà tang lễ cho cư dân thành phố Vinh”.

Bên cạnh đó có một câu chuyện có thật, dở khóc dở cười được ông Nguyễn Ngọc Báu (trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh) kể lại về hoàn cảnh “tréo ngoe” vừa xảy ra mới đây, mà ông là “nạn nhân”. Trong một lần vừa phải “đóng vai” đi viếng đám tang, vừa đi mừng đám cưới cùng lúc trong cùng một khu phố. Hôm đó, sau khi rời khỏi đám tang, ông cởi bỏ áo đen bên ngoài để lộ chiếc áo thun hoa đã mặc sẵn để vào mừng đám cưới. Vì thế khuôn mặt ông cũng phải biến tấu từ bi lụy nhanh chóng chuyển sang vui vẻ để phù hợp với gia cảnh tân hôn. Thế nhưng, dù đã chuẩn bị kỹ, ông vẫn bị nhầm lẫn giữa phong bì viếng đám ma, sang mừng đám cưới... “Lúc đó tôi như thất thần, không biết làm sao được cả vì đã gửi, để phong bì mất rồi. Thực sự tôi ngượng chín mặt, không biết chỗ nào mà chui xuống cả”, ông Báu nói.

Trước nhu cầu không thể thiếu của người dân cũng như đáp ứng tiêu chí cho sự phát triển đô thị là cần thiết phải có “Nhà tang lễ” thì sự nhìn nhận đánh giá của thành phố Vinh như thế nào đối về vấn đề này? Chúng tôi được một cán bộ Phòng Quy hoạch - Kiến trúc và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Nghệ An) cho biết: “Đến thời điểm này, Sở Xây dựng chưa tiếp nhận văn bản đề nghị hay đề xuất, xin ý kiến lựa chọn địa điểm quy hoạch, xây dựng nhà tang lễ tập trung từ UBND TP Vinh”. Trong khi đó, cán bộ ở Phòng Quản lý Đô thị TP Vinh thừa nhận: “Từ trước tới nay chúng tôi chưa có văn bản xin ý kiến với Sở Xây dựng Nghệ An, cũng như quy hoạch xây dựng nhà tang lễ. Việc xây dựng nhà tang lễ thành phố là việc rất cần thiết, tuy nhiên để làm được việc này chúng tôi phải căn cứ bản quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thành phố Vinh…”. Rõ ràng, những nhà quản lý đô thị tại thành phố Vinh không, hoặc chưa nghĩ đến “Nhà tang lễ”.

Đã đến lúc chính quyền các cấp, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An nói chung, TP Vinh nói riêng cần phải chú trọng đến việc tang lễ trong đô thị. Nếu nhìn nhận ra điều này, chắc chắn sẽ đảm bảo được sự phát triển đô thị với việc đáp ứng được các tiêu chí về việc ma chay được diễn ra văn minh, đảm bảo môi trường.

Tác giả: Mai Thục Linh

Nguồn tin: baovanhoa.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP