Làng nổi Châu Đốc. |
Dù đã có tên gọi thành phố Châu Đốc nhưng nơi này vẫn mang dáng vẻ của một thị xã nhỏ nhắn, duyên dáng. Trung tâm TP Châu Đốc có nhiều người Hoa sinh sống nên dường như các con phố cũng được xây khá nhỏ gọn chỉ một tầng lầu, mái ngói và những khung cửa số đầy màu sắc. Tuy nhiên ẩm thực ở đây khá phong phú như món bún cá nổi tiếng với vị thanh ngọt tự nhiên ăn cùng bông điên điển. Lẩu mắm cá lóc, hay đặc sản mắm cá đậm đà ít ai có thể bỏ qua khi ghé Châu Đốc thanh bình và hiếu khách. Ở Châu Đốc, du khách rất khó để trả giá khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ, vì người dân không hét giá khi thấy du khách.
Khám phá Châu Đốc mà không đi xe lôi thì chắc chắn bạn đã bỏ qua một nét văn hóa độc đáo nhất của vùng đất này. Xe lôi được coi là phương tiện vận tải quen thuộc của người dân miền Tây và từng là biểu tượng của lục tỉnh Nam Kì. Thế nhưng khi cuộc sống ngày càng hiện đại, xe lôi cũng dần bị thay thế bởi các loại phương tiện khác, chỉ còn lại ở Châu Đốc (An Giang). Bạn có thể thuê xe lôi để di chuyển giữa các địa điểm tham quan. Đây là phương tiện di chuyển an toàn, giá rẻ mà mọi du khách gần xa, nhất là du khách Tây đều cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm. Có thể nói, trong sinh hoạt của người miền Tây Nam bộ hôm nay, xe lôi là một hình ảnh thân quen và gần gũi. Theo sự phát triển ồ ạt của các loại phương tiện hiện đại, thân phận xe lôi càng trở nên nhỏ bé hơn. Thế nhưng, khi xe lôi được xem như một sản phẩm du lịch thì xe lôi cũng được mặc định như một giá trị văn hóa.
Một trải nghiệm khác được rất nhiều du khách yêu thích khi du lịch Châu Đốc chính là khám phá cuộc sống của người dân sông nước miền Tây chân chất, hiền hòa. Từ trung tâm Châu Đốc, đi ngược dòng sông Hậu, du khách sẽ đến với làng nổi Châu Đốc. Đây là điểm dừng chân khá đặc biệt. Dọc theo dòng sông là những căn nhà nổi, những bè cá được xếp cạnh nhau tạo thành làng và kéo dài chừng vài cây số. Nếu đi về hướng huyện Châu Phú, làng nổi nhộn nhịp và kéo dài hơn, nhưng đông đúc nhất vẫn là những nhà nổi ở khúc sông của huyện Tân Châu gần 10 km.
Châu Đốc nổi tiếng với việc phát triển nghề nuôi cá basa, nghề nuôi cá nay vẫn được xem là triển vọng này đã có vài chục năm tuổi, đến hiện tại vẫn không ngừng gia tăng số lượng bè cá, đấy cũng là lý do dễ hiểu, tại sao Làng nổi cá bè Châu Đốc luôn xôm tụ và ngày thêm đông đúc. Mỗi hộ gia đình trong làng bè đôi khi không chỉ có một bè cá, mà có đến vài bè cá, thậm chí là cả chục bè. Nếu như xưa nơi những bè cá này, làng nổi này chỉ là nơi trú ngụ bình dị lặng lẽ của những hộ dân theo đuổi nghề nuôi cá basa, thì nay nơi này trở thành điểm dừng chân thú vị của du khách. Tại đây du khách có cơ hội tìm hiểu về nghề và cuộc sống của bà con vùng sống nước. Về Châu Đốc mà không ghé lại Làng nổi cá bè Châu Đốc, thì coi như hành trình của bạn chưa thể hoàn thiện.
Xe lôi ở TP Châu Đốc. |
Ngoài làng nổi Châu Đốc, du khách cũng nên ghé qua Búng Bình Thiên – một trong những hồ nước có hiện tượng thiên nhiên kì bí nhất trên thế giới. Hồ nước này chỉ dâng lên hạ xuống chứ không chảy, nước mênh mông trong vắt, khác xa với màu đục ngầu của sông hay kênh rạch xung quanh, ngay cả khi vào mùa lũ. Còn nếu chỉ muốn thong dong trên dòng nước trôi êm ả và thanh bình, bạn cũng chỉ cần bỏ ra từ 150.000 đến 300.000 đồng để thuê thuyền thư thả ngao du mặt hồ.
Chợ Châu Đốc nổi tiếng với các sản vật địa phương. Mùa này, đừng quên ghé chợ Châu Đốc thưởng thức trái thốt nốt. Các món được chế biến từ thốt nốt gồm: nước, thạch, bánh bò... là những thức quà giản dị nhưng mang đậm dấu ấn vùng sông nước An Giang. Ở đây, thốt nốt được ví như biểu tượng của vùng Châu Đốc. Giống cây dong dỏng tựa cây dừa, tán lá cong cong như lá cọ, hễ đến mùa lại trổ trái rất sai, cho cơm trắng trong ngọt mát. Vùng Châu Đốc, An Giang vốn tự hào về thứ quả này. Trái thốt nốt có thể chế biến thành nhiều món ăn chơi thật lạ miệng, bày bán khắp chợ để du khách ngang qua khó mà kìm lòng.
Ngoài ra, Châu Đốc còn có Miếu Bà nổi tiếng nằm cách trung tâm TP Châu Đốc khoảng 5 km. Dù có một dịp lễ vía lớn vào 23 đến 27/4 âm lịch hàng năm, miếu vẫn được nhiều người dân và du khách tới chiêm bái mỗi ngày. Ngoài tham quan kiến trúc miếu, hay phong cảnh núi Sam, du khách còn có thể mua sắm vì nơi này tấp nập người mua bán và hàng quán không kém chợ Châu Đốc. Rừng tràm Trà Sư là địa điểm không thể thiếu trong các tour du lịch Châu Đốc. Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, muốn đắm chìm vào khung cảnh hùng vĩ, xanh biếc của rừng tràm, của những loài thực vật đặc trưng ở vùng Tây Nam Bộ thì rừng tràm Trà Sư chính là nơi mà nhất định bạn phải ghé qua một lần trong đời.
Tới đây, bạn có thể thuê thuyền với giá khoảng 60.000 đồng trong 2 tiếng để thoải mái tham quan rừng tràm, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Một điểm dừng chân độc đáo khi đến Châu Đốc là kênh Vĩnh Tế. Kênh có chiều dài gần 90km nối liền Châu Đốc với cửa biển Hà Tiên, nằm ở địa phận của cả hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, được đào song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia. Kênh được hoàn thành trong 5 năm từ 1819 đến 1824 dưới thời vua Gia Long. Kênh đào được thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Thoại Ngọc Hầu cùng người dân địa phương bằng các công cụ thô sơ và chủ yếu là tay. Kênh không chỉ có giá trị thủy lợi mà còn là một điểm du lịch nổi tiếng với những nét kiến trúc tinh xảo.
Nếu có thời gian nán lại ở TP Châu Đốc, du khách có thể đến thăm các làng người Chăm sống xen lẫn với người Kinh, cứ mỗi buổi chiều họ lại đến ngôi nhà chung để cùng nhau đọc kinh. Ở Châu Đốc có nhiều làng người Chăm với những đặc thù kinh tế riêng như làng người Chăm dệt vải, làng người Chăm làm gốm,... họ sống cùng với người Kinh nhưng trang phục của họ ăn mặc thường ngày, nhà cửa cũng được giữ nguyên bản sắc.
Tác giả: Minh Duy
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết