Tin trong tỉnh

Một xã ở Nghệ An gần 50 năm không nuôi chó

Năm 1964, hương ước của làng được bổ sung thêm mục "toàn dân không nuôi chó" và đến năm 2011, một số hộ mới nuôi trở lại.

Những ngày đầu tháng tư, đi trên đường nhựa ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu (Nghệ An), khách mới đến sẽ rất ít khi gặp chó thả rông trên đường. Người dân địa phương cho hay, dân làng ở đây gần 50 năm qua không nuôi chó. Hiện người dân đã nuôi trở lại song số lượng rất ít và được chính quyền quản lý chặt chẽ.

Ông Đàm Văn Hiên, Chủ tịch xã Diễn Nguyên nói, hiện địa phương có hơn 1.700 hộ song chỉ 150 hộ nuôi chó với tổng đàn 176 con. Vài năm trước số hộ nuôi chó thấp hơn nhiều; từ 2011 trở về trước thì 100% hộ không nuôi.

Nhiều người dân kể, 55 năm trước, một thanh niên là con trai độc nhất trong gia đình ở xã Diễn Nguyên bị chó cắn. Do không tiêm phòng nên thời gian ngắn sau đó người này phát bệnh dại, la hét khiến nhiều người chứng kiến khiếp sợ. Mấy tháng sau, một thanh niên khác cũng là con độc nhất trong gia đình bị chó cắn và phát bệnh.

Hai cái chết liên tiếp vì bệnh dại khiến người dân trong vùng ám ảnh. Lúc này, một số hộ dân đã quyết định bán chó, không nuôi nữa hoặc giết thịt. Ít lâu sau, phong trào "nói không với nuôi chó" được phát động và dân làng đều hưởng ứng.

Năm 1964, hương ước của làng bổ sung thêm mục "toàn dân không nuôi chó". Căn cứ vào hương ước này, gia đình nào vi phạm sẽ bị nêu tên, kiểm điểm trước dân làng. Trong nhiều năm liên tục, việc không nuôi chó trở thành thông lệ của dân làng dù bản hương ước đã thất lạc theo thời gian; thậm chí họ còn xua đuổi, đánh đập chó của làng khác chạy sang. Trên địa bàn cũng hầu như không có quán thịt chó.

Ông Đào Quang Phúc người soạn lời kêu gọi vận động toàn dân không nuôi chó trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Hải.

Khoảng năm 2011, một số hộ ở xã Diễn Nguyên quay trở lại nuôi chó thì hàng xóm tỏ ra bức xúc, vì cho rằng những người này đã cố tình làm hỏng hương ước và nét văn hóa đã duy trì hàng chục năm.

Tại các cuộc họp dân, vấn đề tiếp tục cấm nuôi chó hay không được đưa ra thảo luận nhiều lần. Giữa năm 2011, xã Diễn Nguyên lấy phiếu thăm dò ý kiến với kết quả 76% hộ dân đồng ý "không nuôi".

Đầu năm 2012, xã ra nghị quyết giao Mặt trận Tổ quốc mở cuộc vận động "Toàn dân nói không với nuôi chó trên địa bàn". Ông Đào Quang Phúc - Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Diễn Nguyên kể, "chính tay tôi đã soạn lời kêu gọi và phát lên loa phóng thanh cũng như phổ biến tại các cuộc họp dân".

Lời kêu gọi nhấn mạnh một số lý do không nên nuôi chó, như: Con vật thường gây bệnh dại, thực tế đã gây nên những cái chết thương tâm; việc nuôi chó thả rông gây mất vệ sinh môi trường; xét về kinh tế thì chó không phải là động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, lời kêu gọi cũng nhấn mạnh "nếu nói nuôi chó để đảm bảo an ninh trật tự, canh trộm thì không đúng, bởi trên thực tế hàng chục năm qua an ninh địa phương vẫn tốt".

Ông Đào Xuân Hạnh đang chăm sóc 3 con chó được nhốt trong lồng sắt tại nhà riêng. Ảnh: Nguyễn Hải.

Tuy nhiên, sau đó huyện Diễn Châu yêu cầu xã Diễn Nguyên phải bãi bỏ nghị quyết vì luật pháp không cấm người dân nuôi chó. Lúc này, một số hộ dân trên địa bàn bắt đầu mua chó về nuôi

Ông Đào Xuân Hạnh (55 tuổi, trú xóm 7) cho hay, gia đình làm kinh doanh nên nuôi 3 con chó để chống trộm buổi đêm; hàng năm ông đều tuân thủ việc tiêm phòng cho vật nuôi.

"Chó được nhốt vào lồng sắt, ban đêm thì thả ra trong khuôn viên gia đình. Dù cửa đã khóa nhưng cảm giác có thêm con chó giữ nhà vẫn thấy yên tâm hơn. Chó được tiêm phòng cẩn thận nên không có gì đáng lo ngại", ông Hạnh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bội (90 tuổi, nguyên là cán bộ xã Diễn Nguyên) thì quả quyết việc nuôi chó không đem lại lợi ích gì, dễ xảy ra tai nạn cắn người, mất vệ sinh. "Tôi có 6 người con đều dựng vợ gả chồng trong xã và chính tôi dặn dò các con để không ai nuôi chó trong hàng chục năm qua", ông Bội nói.

Chủ tịch xã Đàm Văn Hiên nói, mặc dù không còn hương ước "cấm nuôi chó" như trước đây, song chính quyền siết chặt quản lý với quy định chó nuôi phải đăng ký, tiêm phòng, không được thả rông và khi đưa ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm.

"Vài năm trở lại đây, tỷ lệ tiêm phòng cho chó trên địa bàn đạt 90%. Hàng tháng lực lượng an ninh của xã tổ chức tuần tra bắt chó thả rông. Lâu nay cũng có một số người bị chó cắn, tuy nhiên chỉ xây xước nhẹ. Hàng chục năm qua xã này không có ai tử vong về bệnh dại", ông Hiên cho hay.

Đường liên xã tại Diễn Nguyên (Diễn Châu) ít khi có chó xuất hiện. Ảnh: Nguyễn Hải.

"Diễn Nguyên từng là xã đi đầu trong việc tuyên truyền người dân không nuôi chó. Với điều kiện hiện nay, nếu chó nuôi được tiêm phòng và thả rông có rọ mõm theo quy định thì người dân hoàn toàn yên tâm. Chúng tôi mong người dân Diễn Nguyên cũng như các địa phương khác giữ gìn và phát huy được tinh thần này", ông Đặng Văn Minh - Phó chi cục trưởng Chi cục thú y Nghệ An nói.

Nghệ An có tổng đàn chó khoảng 512.000 con. Năm 2018 tỉnh này có hơn 9.600 trường hợp bị chó cắn; 8 người không tiêm phòng dại đã tử vong.

Tác giả: Nguyễn Hải

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: không nuôi chó , 50 năm , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP