Đẹp

Mù mắt và hoại tử ngực do tiêm filler làm đẹp

Ngày 11/7, thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa cấp cứu cho 2 trường hợp tai biến nghiêm trọng do tiêm filler làm đẹp, trong đó có 1 người tiêm ở nước ngoài.

Trường hợp đầu tiên là chị Đ.T.N (30 tuổi, Hà Tĩnh) hiện đang sống và làm việc ở Nhật Bản. Cách đây ít ngày, chị N. tiêm filler vào trán và thái dương tại một cơ sở spa tại Nhật Bản. Khi mới tiêm 0,5cc vào giữa trán chị đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt và nôn mửa.

Ngay lập tức chị được tiêm thuốc giải nhưng vẫn cảm thấy khó chịu, nôn nao không đỡ. Chị có đến bệnh viện kiểm tra, được bác sĩ khám và không can thiệp, cho về nhà theo dõi.

Ngày hôm sau chị thấy mắt phù nề, sưng đỏ, tiếp tục đến bệnh viện để cấp cứu, lúc đó mắt đã không còn nhìn thấy rõ. Nhận thấy tình trạng chuyển biến nặng rất nhanh, gần như mù toàn bộ, chị quyết định đặt vé trở về Việt Nam.

Nữ bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.

Sau 6 ngày can thiệp mạch, mắt phải của nữ bệnh nhân mới có chuyển bến nhẹ, có thể vận động nhãn cầu nhẹ nhàng theo yêu cầu của bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải điều trị lâu dài và có hồi phục được thị lực hay không vẫn còn chưa rõ.

Nữ bệnh nhân tiêm filler làm đẹp ở nước ngoài đang điều trị tại Bệnh viên Việt Đức. (Ảnh: BV Việt Đức).


Trường hợp thứ 2 phải nhập viện cấp cứu là chị N.C.T (31 tuổi, Quảng Nam). Chị T. vào viện trong tình trạng bị áp xe hai bên ngực do tiêm filler nâng ngực.

Trước đó, qua mạng xã hội, chị T. thấy một thẩm mỹ viện quảng cáo phương pháp tiêm filler nâng ngực nhanh chóng, hiệu quả nên đã tìm đến. Sau tiêm, chị thấy nổi các khối lổn nhổn trong ngực và thường xuyên sưng đau.

Sau can thiệp hút filler, chị T. có biểu hiện đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này, vì quá đau đớn và lo sợ chị mới tới Bệnh viện Việt Đức.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, biểu hiện sốt rét run của chị T. báo hiệu các khối áp xe sắp có nguy cơ vỡ nếu vào phổi sẽ gây nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật lấy chất làm đầy ra khỏi cơ thể người bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sĩ được đào tạo và có kiến thức đầy đủ về giải phẫu, về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, cần chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra…

Tác giả: H.P

Nguồn tin: baovephapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP