Xe

Mua xe máy cũ cần lưu ý gì để tránh "tiền mất tật mang"?

Những bước sau đây có thể giúp người dùng tìm được một chiếc xe máy đã qua sử dụng phù hợp với nhu cầu, giá cả hợp lý cũng như hạn chế phần nào rủi ro.

Xác định nhu cầu và tìm xe

Trước khi mua một chiếc xe máy cũ, hãy tìm hiểu dòng xe muốn mua: xe ga, xe số, hay tay côn và nằm trong tầm giá khoảng bao nhiêu để khoanh vùng được sản phẩm phù hợp. Bạn nên hỏi người thân, thợ sửa xe quen biết để có thể giúp tìm được chiếc bạn rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như thời gian vận hành.

Trong trường hợp không thể hỏi được người quen, hãy tìm kiếm trên Internet, đến các chợ xe cũ... Đương nhiên, việc này có thể chứa rất không ít rủi ro, xe có thể đã kém chất lượng nhưng được "mông má", gặp vấn đề về giấy tờ hoặc có thể là xe trộm cắp.

Tham khảo vài nơi, lựa chọn một chiếc xe mà bạn nắm rõ được nhiều thông tin và đi mua cùng một người có kinh nghiệm để họ giúp kiểm tra. Đừng ham những chiếc xe rẻ quá so với mặt bằng chung bởi người mua có thể nhầm chứ người bán ít khi nhầm.

Kiểm tra nguồn gốc

Đây là điều cần làm để giúp chiếc xe bạn mua có thể hợp pháp di chuyển trên đường cũng như tránh những rủi ro phát sinh sau này. Đừng chỉ tin vào giấy tờ xe hãy yêu cầu chủ xe cho xem các giấy tờ khác như: hóa đơn bán hàng, giấy đăng ký có khớp với tên của chủ xe trên chứng minh hay không. Điều này tránh được việc bạn mua phải một chiếc xe trộm cắp dù có giấy tờ hoặc chiếc xe vẫn trong quá trình trả góp từ các cửa hàng.

Kiểm tra ngoại thất

Bạn hãy dành nhiều thời gian để làm điều này, nhiều khi một chiếc xe cũ nát nhưng được các thợ sửa xe tân trang lại như mới, bắt mắt khách hàng. Nước sơn phải đồng màu, bạn có thể sử dụng đèn flash điện thoại soi nếu màu sơn đậm nhạt khác nhau thì chắc chắn chiếc xe đó đã được "tuốt lại". Các khớp yếm phải hợp nhất, không vênh. Đặc biệt, số khung và số máy phải trùng với giấy đăng ký của chủ xe.

Kiểm tra động cơ

Động cơ xe máy cũ thường được các chủ xe làm lại, nếu đã bị "bổ" máy đồng nghĩa với việc chiếc xe đã có thời gian sử dụng lâu dài hoặc chất lượng kém. Bạn hãy để ý các đầu ốc trên động cơ có tác động ngoại lực không, bị toét hay được thay mới.

Nếu có những biểu hiện trên nhiều khả năng động cơ xe đã được sửa chữa. Động cơ tốt phải dễ dàng nổ máy, tiếng nổ đều và không có tiếng kêu lạ "cạch, cạch", máy không bị chết đột ngột giữa chừng.

Đi thử

Đi thử xe trên đường và cảm nhận, chiếc xe phải chắc chắn, không bị rung lắc, tay lái phải cân, không bị nặng. Đối với xe số, việc vào số phải nhẹ nhàng, dễ dàng và không bị kẹt số. Xe ga không bị lì, ga nhạy. Tiếp đó, hãy thử sử dụng hệ thống phanh xe, nếu phát tiếng kêu lạ hay giảm tốc kém khi phanh thì má phanh đã bị mòn đi.

Bật đèn pha/cos và xi-nhan để kiểm tra hệ thống chiếu sáng phải ổn định không chập chờn, cường độ ánh sáng tốt cùng với việc bấm thử còi trên xe nếu tiếng kêu đanh, rõ ràng thì hệ thống điện của chiếc xe bạn đang có ý mua không có vấn đề gì.

Sau đó, bạn hãy thử nhún người để kiểm tra hệ thống giảm xóc, nếu bị cứng hoặc phát ra tiếng kêu thì có thể bộ phận giảm xóc đó đã yếu.

Trả giá

Việc trả giá thuận mua vừa bán là rất bình thường trong các giao dịch mua bán đồ cũ. Bạn hãy tham khảo người trong nghề hoặc thợ sửa xe để có được một mức giá vừa phải so với mặt bằng chung. Hãy lưu ý bạn đừng ham khi mua một chiếc xe với mức giá quá thấp, điều đó có thể chiếc xe đó có nguồn gốc không rõ ràng hoặc chất lượng bên trong quá kém. Nên tránh xa những chiếc xe mà bạn cho là "món hời", hãy nhớ kinh nghiệm người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm.

Tác giả: Đoàn Trung Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP