Thế giới

Mỹ-Anh rút gươm dọa Iran: Iran gia tăng ngay sức nóng

Gây căng thẳng thì dễ nhưng làm giảm căng thẳng thì rất không dễ, cần có bản lĩnh nước lớn…

Như trong bài viết: “Bản lĩnh hay liều lĩnh” của Iran trước Mỹ? đã đăng cách đây 3 tuần, giờ đây có thể khẳng định chắc chắn rằng, sách lược đối đầu với Mỹ-Anh của Tehran dựa trên nguyên tắc: Phá sản lối chơi mà Mỹ hoàn toàn chiếm ưu thế, buộc Mỹ chơi mà Mỹ không muốn.

'Bản lĩnh hay liều lĩnh' của Iran trước Mỹ?

Việc bắn hạ UAV của Mỹ, Tehran đã gửi đến Mỹ một thông điệp cứng rắn, đó là, Iran đã sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện bất chấp hậu quả…

Mục đích hành động của Tehran là buộc Mỹ chỉ có 2 lựa chọn: hoặc là tham chiến hoặc là đàm phán (không phải đám phán kiểu Mỹ mà kiểu Iran, nghĩa là đàm phán sau khi Mỹ bỏ cấm vận dầu của Iran).

Anh bắt giữ tàu chở dầu Iran gây thêm căng thẳng.

Iran gia tăng sức nóng

Rõ ràng là Mỹ đã tuyên chiến công khai với Iran bằng cuộc chiến kinh tế, mạng…mà thế giới đã nghe và chứng kiến. Thật không may cho Iran, trong cuộc chiến này, Iran thất thế hoàn toàn, vô phương chống đỡ.

Trong tình thế này, Tehran phải làm gì? Quả thật, Tehran chỉ có 2 đòn đáp trả:

Đòn thứ nhất, theo kiểu “không ăn thì phá” là nếu cấm Iran xuất khẩu dầu thì Iran sẽ không cho các quốc gia khác xuất, nhập dầu qua eo biển Hormuz.

Cấm xuất khẩu dầu qua eo biển Hormuz là một đòn hiểm, bất đối xứng, đáng giá nhất mà Tehran có vì nó khiến thế giới mất 1/3 nguồn năng lượng, khiến EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…điêu đứng.

Đòn thứ hai, nếu như 1/3 năng lượng của thế giới bị mất đi không khiến Mỹ quan tâm (vì Mỹ có thừa dầu đá phiến) thì Tehran tung đòn tiếp theo là làm giàu Uranium để chế tạo VKHN, tức Iran coi JCPOA đã chết khi Mỹ đơn phương từ bỏ nó năm 2018.

Đây chính là đòn đụng chạm đến “lợi ích an ninh” Mỹ khiến Mỹ lo lắng và là mối quan tâm chính của Mỹ-Israel

Rốt cuộc, đòn đáp trả thứ nhất này chỉ có thể là hành động quân sự, nó sẽ gây ra xung đột quân sự, là hành động chiến tranh nóng, trong khi hủy JCPOA của Iran lại được Mỹ coi là vô cùng nguy hiểm mà Mỹ ngăn cấm bằng mọi giá…

Thật không may cho an ninh Trung Đông và thế giới, Tehran đã chọn cả 2 đòn đáp trả này, một sự lựa chọn bắt buộc nhưng…bản lĩnh.

Chủ quan, Mỹ phải trả giá!

Thực tế không thể khác là Mỹ cùng với Iran đang rất, rất mạo hiểm “khiêu vũ” bên bờ vực thẳm…

Đầu tiên, không cần tham vấn EU, Tổng thống Mỹ Trump như phong cách vốn có, ông đơn phương rút khỏi JCPOA đồng thời, thực hiện lệnh cấm vận rất ngặt nghèo để buộc Tehran ngồi đàm phán lại JCPOA và các vấn đề khác theo yêu cầu của Mỹ như buộc Iran phải từ bỏ vai trò của họ tại Trung Đông…

Ông Trump muốn thông qua lệnh cấm vận, trừng phạt Iran để Tehran đầu hàng hoặc ít nhất duy trì lệnh cấm vận ngặt nghèo hơn lần trước thời Obama trong suốt thời gian tái tranh cử để được sự ủng hộ mạnh mẽ của Israel và giới diều hâu chống Iran trong nước.

Giờ thì sao? Tehran đã phá bỏ lối chơi này của ông Trump để chọn một lối chơi “rắn như đinh” khiến cho Mỹ như đang leo lên cây nhưng không thể tuột xuống. Vả lại Tehran cũng không có khuynh hướng giúp Mỹ tuột xuống khi còn bị cấm vận.

Tiếp theo, Mỹ tin rằng, châu Âu áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Iran để giữ Iran không vi phạm JCPOA; một cơ chế tài chính (INSTEX) mà người châu Âu đã thiết lập để giúp Iran có được hàng hóa không bị trừng phạt; và các cuộc diễn tập quân sự gần đây của Mỹ ở Trung Đông là đủ để ngăn Iran khỏi sự leo thang quân sự hơn nữa.

Tháng 11/2018, khi được hỏi Mỹ sẽ làm gì khi Tehran khỏi động làm giàu uranium, ông Pompeo tự tin rằng, “người Iran sẽ không đưa ra quyết định đó” (tức làm giàu Uranium vượt giới hạn 3,6% mà JCPOA cho phép).

Giờ thì sao? Hiện nay, châu Âu không có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran đối với một thỏa thuận mà Trump đã phá vỡ. Toàn bộ thỏa thuận JCPOA đã tắt. INSTEX thì chỉ “cho phép” Iran trao đổi một thứ gì đó là hàng hóa nhân đạo ngoài dầu mỏ, nên INSTEX chỉ là chiêu xoa dịu Iran chứ không có thực chất.

Tehran cho biết là đã làm giàu Uranium lên đến 4,5% với số lượng lớn hơn nhiều theo quy định của JCPOA…

Tình thế căng thẳng ngoài dự kiến của chính quyền Mỹ đã khiến Mỹ lúng túng, bối rối…

Đại sứ Anh tại Mỹ nhận xét (bị rò rỉ buộc ông ta từ chức) rằng, “chính sách Iran của Mỹ đã hỗn loạn. Không chắc nó sẽ mạch lạc trong thời gian gần bởi một chính quyền bị phân chia, mất đoàn kết…”.

Rõ ràng người Mỹ đã không dự liệu được người Iran đã sẵn sàng vật chất và tinh thần cho một cuộc chiến toàn diện với Mỹ bất chấp mọi hậu quả. Đây là một sai lầm nghiêm trọng (cố hữu) để vạch ra đối sách với Iran của Mỹ.

Mỹ-Anh đã rút gươm khỏi vỏ

Nếu như ngài cựu Đại sứ Anh tại Mỹ nói đúng về Mỹ thì chính sách của Anh đối với Iran cũng chẳng tốt hơn. Anh có tên trong JCPOA công nhận Iran thực hiện tốt JCPOA nhưng lại theo lệnh Mỹ bắt tàu chở dầu của Iran mà Iran coi là hành động “cướp” và đe trả đũa.

Có thể nói, việc bắt tàu chở dầu của Iran, về ý nghĩa chiến thuật và chiến lược là “tối bóng”, “tối kiến”…Anh – Mỹ đã rút kiếm.

Có thể mục đích của Mỹ-Anh là gây căng thẳng để Mỹ thực hiện tốt vận động của mình thành lập một liên minh bảo vệ an toàn hàng hải tại eo biển Hormuz, theo đó, Mỹ chỉ huy, còn tàu chiến của quốc gia nào thì bảo vệ tàu chở dầu của quốc gia đó…

Hình thức tác chiến này Hải quân Anh đã làm mẫu: Theo các quan chức Mỹ, khi các tàu cao tốc vũ trang của Iran tiếp cận tàu chở dầu British Heritage, khinh hạm Hải quân Hoàng gia Anh HMS Montrose chỉ đi sau cách đó có 5 dặm liền tăng tốc tiến về phía tàu dầu và chặn ở vị trí giữa các tàu quân sự của Iran và tàu British Heritage. Tàu Montrose sau đó tiếp tục hộ tống tàu dầu British Heritage đi qua Eo biển Hormuz.

Mục đích của Mỹ - Anh là kéo toàn bộ hải quân của thế giới đến eo biển Hormuz để Mỹ chỉ huy đàn áp Hải quân Iran.

Ngày 10/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng chế nhạo việc Anh quyết định cử tàu chiến hải quân hộ tống tàu chở dầu “Các ông giờ đây tuyệt vọng tới mức phải triển khai cả khinh hạm để tháp tùng một tàu chở dầu di chuyển trong khu vực. Điều đó là vì các ông quá sợ hãi”.

Đúng thế, có thể Mỹ-Anh không lưu ý chứ các quốc gia mà Mỹ mời đến eo biển Hormuz “chiến” với Iran đều lưu ý là “Tehran ngăn chặn nguồn năng lượng không chỉ bằng cách nhắm mục tiêu vào tàu chở dầu mà còn đánh vào các nguồn dầu ở mỗi quốc gia Trung Đông, cho dù các quốc gia này được coi là đồng minh hay kẻ thù”.

Các căn cứ quân sự Mỹ và đồng minh tại Trung Đông, Tehran còn không sợ thì các mỏ dầu của nhà Saudi, Qatar, UAE…chẳng là cái gì, Tehran có thể biến Trung Đông thành biển lửa.

Tehran chưa rút kiếm, nhưng với bản lĩnh dân Ba Tư, Iran không dễ bị bắt nạt; như thường lệ, câu trả lời sẽ không đối xứng và sẽ đến vào thời điểm và địa điểm lựa chọn của Iran…

Tác giả: Lê Ngọc Thống

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: Mỹ-Anh , Iran

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP