Thế giới

Mỹ đưa 7 triệu liều vắc-xin đến châu Á, bao gồm Việt Nam

Nhà Trắng vừa công bố kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho thế giới, và những lô đầu tiên sẽ lên đường ngay trong ngày 3/6.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ sẽ cung cấp vắc-xin mà không đòi hỏi sự ràng buộc chính trị nào. Đây là lô vắc-xin đầu tiên trong tổng số 80 triệu liều vắc-xin mà nhà lãnh đạo Mỹ cam kết cung cấp cho các nước, trong bối cảnh đang có sự chênh lệnh lớn về tiếp cận vắc-xin giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Mỹ sẽ tặng gần 19 triệu liều vào chương trình chia sẻ vắc-xin COVAX, ông Biden cho biết. Thông qua COVAX, khoảng 6 triệu liều sẽ được đưa đến cho Mỹ Latin và Carribea, khoảng 7 triệu liều cho Nam Á và Đông Nam Á, và khoảng 5 triệu liều cho châu Phi.

Hơn 6 triệu liều còn lại sẽ được Mỹ chuyển trực tiếp cho các nước Canada, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc.

“Chúng tôi chia sẻ những liều vắc-xin này không phải để được đối xử ưu đãi hoặc ép nhượng bộ. Chúng tôi chia sẻ vắc-xin để cứu mạng người và dẫn dắt thế giới trong nỗ lực chấm dứt đại dịch, với sức mạnh từ sự nêu gương và những giá trị của chúng tôi”, Tổng thống Mỹ nói.

Dù Mỹ hợp tác với COVAX nhưng Nhà Trắng quyết định nước nào sẽ nhận được vắc-xin và số lượng bao nhiêu, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết.

Quyết định của Nhà Trắng dựa trên “những yếu tố như mức độ bao phủ toàn cầu, phản ứng với khủng hoảng…và giúp được càng nhiều nước càng tốt”, ông Sullivan nói. Ông cho biết Mỹ định ưu tiên các nước láng giềng như Canada, Mexico và các nước ở Trung và Nam Mỹ.

25 triệu liều được phân phối lần này không bao gồm vắc-xin AstraZeneca, Nhà Trắng cho biết.

Đối với các nước Đông Nam Á, 7 triệu liều lần này là bước đi đầu tiên “mang tính chất biểu tượng”, nhưng chưa thấm tháp gì so với nhu cầu của khu vực, Alex Feldman, chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (một tổ chức vận động hành lang), nói. Ông nhấn mạnh rằng Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đang đối mặt với rất nhiều khó khăn nghiêm trọng vì COVID-19.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng sẽ từ bỏ quyền lực đặc biệt dựa trên Đạo luật sản xuất quốc phòng đối với một số nhà sản xuất vắc-xin được Mỹ cấp ngân sách nhưng chưa phê duyệt sản phẩm, trong đó có AstraZeneca, Sanofi SA/GlaxoSmithKline và Novavax.

Đạo luật sản xuất quốc phòng giúp các nhà sản xuất vắc-xin ở Mỹ được tiếp cận ưu tiên các nguồn nguyên liệu và thiết bị cần thiết để sản xuất vắc-xin đang thiếu trên thế giới. Dỡ bỏ quyền lực này sẽ giải phóng các nguồn nguyên liệu cho các nhà sản xuất khác tiếp cận, nhất là Viện Huyết thanh Ấn Độ.

Viện Huyết thanh Ấn Độ là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới và nhà cung cấp vắc-xin hàng đầu của các nước thu nhập thấp và trung bình. Viện này chỉ trích Mỹ áp dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng khiến hoạt động sản xuất vắc-xin Novavax của họ bị ảnh hưởng.

Cố vấn COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients cho biết Mỹ sẽ tiếp tục quyên góp vắc-xin trong mùa hè năm nay khi nhận được thêm nguồn cung.

Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới thúc giục các nền kinh tế phát triển thuộc G7 giải phóng lượng vắc-xin dư thừa mà họ đang có cho các nước đang phát triển càng sớm càng tốt, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất tăng năng suất để cung cấp cho các nước nghèo.

Tác giả: Bình Giang

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: Vắc-xin , Việt Nam , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP