Nhiều đại sứ nước ngoài đã từ chối đến dự lễ khai trương này, trong khi người Palestine tiếp tục biểu tình rầm rộ phản đối Mỹ và Israel.
Hình ảnh Tổng thống Mỹ Trump công bố văn bản công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: Reuters. |
Một loạt các quan chức cấp cao của Mỹ và Israel sẽ tham dự buổi lễ khai trương đại sứ quán mới trong ngày hôm nay, trong đó dẫn đầu phái đoàn Mỹ có con gái Ivanka, con rể Kushner của Tổng thống Mỹ Donal Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có bài phát biểu qua video trước 800 quan khách trong lễ khai trương đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.
Bộ Ngoại giao Israel cho biết, có 86 đại sứ nước ngoài tại Israel được mời tham dự buổi lễ nhưng có tới 70% khách mời từ chối tới dự. Gọi là khai trương đại sứ quán mới, nhưng thực chất Mỹ chỉ tạm thời chuyển đại sứ quán tới tòa lãnh sự quán hiện có ở khu vực Arnona, thuộc Jerusalem với một nhóm nhỏ nhân sự hoạt động cho tới khi tìm được khu vực mới để xây thêm khu phức hợp văn phòng trước cuối năm 2019, cho phép đại sứ và hầu hết các nhân viên đại sứ quán có thể sống và làm việc.
Dù sự kiện ngày hôm nay được thông báo từ nhiều tháng nay nhưng vẫn gây ra cảnh người mừng kẻ khóc giữa 2 bờ chiến tuyến. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh động thái này cho rằng nó phản ánh người Do Thái đã có thủ đô Jerusalem 3.000 năm tuổi. Ngược lại sự kiện hôm nay đã gây phẫn nộ ngay cả với chính những đồng minh Arab của Mỹ, đồng thời làm dấy lên phản ứng dữ dội từ người Palestine vốn luôn mong muốn phần phía đông Jerusalem sẽ là thủ đô của nhà nước tương lai.
Tổng thống Palestine gọi đây là “cú tát vào mặt” người Palestine và Thế giới Arab, cho rằng Mỹ không còn được coi là nhà trung gian chân chính.
Ông Nabil Shaath, Cố vấn của Tổng thống Palestine nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, những gì mà Tổng thống Donald Trump đang làm thì vai trò của Mỹ như là nhà trung gian hòa giải, người dẫn dắt tiến trinh hòa bình mà Mỹ theo đuổi từ năm 1991 đã chấm dứt từ đây. Hơn nữa chúng tôi thực sự bị đẩy vào tình huống phải tìm công thức mới cho tiến trình hòa bình với Israel ”.
Cư dân ở Đông Jerusalem cũng bày tỏ: "Quan điểm của tôi là chúng tôi hoàn toàn phản đối Mỹ di chuyển đại sứ quán. Nó không phục vụ sự nghiệp của người Palestine cũng như không phục vụ hòa bình giữa Israel và người Palestine, mà đi ngược lại tất cả”.
Dự đoán trước sự thịnh nộ của người Palestine, Israel đã triển khai 3.000 cảnh sát tham gia ứng trực tại nhiều địa điểm ở Jerusalem. Dư luận đặc biệt lo ngại nguy cơ xảy ra đụng độ nghiêm trọng giữa người biểu tình Palestine và quân đội Israel trong ngày 14/5, ngày Mỹ chuyển đại sứ quán và cũng là ngày Quốc khánh Israel. Thêm vào đó ngày mai (15/5) là ngày người Palestine gọi là ngày Thảm họa, đánh dấu quãng thời gian đen tối mà hàng trăm nghìn người Palestine phải rời bỏ quê hương khi nhà nước Israel ra đời năm 1948, sẽ có hàng chục nghìn người Palestine tiếp tục tham gia cuộc biểu tình mang tên “Cuộc tuần hành lớn cho sự Trở về”.
Các cường quốc lo ngại hành động chuyển đại sứ quán của Mỹ sẽ châm ngòi cho cuộc nổi dậy của người Palestine ở Bờ Tây và biên giới dải Gaza. Phần lớn các quốc gia đều cho rằng, quy chế Jerusalem nên được quyết định trong đàm phán hòa bình, nên hành động chuyển đại sứ quán của Mỹ tới thành phố đang trong vòng tranh chấp rõ ràng làm phương hại cho triển vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine./.
Tác giả: Trần Nga
Nguồn tin: Báo VOV