Thế giới

Mỹ trừng phạt 2 người con của tướng đứng sau đảo chính Myanmar

Bộ Tài chính Mỹ ngày 10-3 đã đưa vào danh sách đen Aung Pyae Sone và Khin Thiri Thet Mon, hai người con đã trưởng thành của Thống tướng Min Aung Hlaing. Danh sách hạn chế cũng được kéo dài với 6 công ty mà hai người này kiểm soát.

Thống tướng Min Aung Hlaing giữ chức tổng tư lệnh quân đội Myanmar kể từ năm 2011 - Ảnh: REUTERS

Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar, hiện là người đứng đầu Hội đồng hành chính nhà nước Myanmar. Cơ quan này được thành lập ngày 2-2 sau cuộc binh biến lật đổ chính quyền dân sự của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

Theo Hãng tin Reuters, việc hai người con của ông Min Aung Hlaing bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen đồng nghĩa tài sản của họ ở Mỹ (nếu có) sẽ bị đóng băng. Các giao dịch giữa người Mỹ với hai cá nhân này và 6 công ty do họ kiểm soát cũng bị cấm.

Trong một tuyên bố riêng sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Washington sẽ có thêm các hành động với chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời lên án việc bắt giữ hơn 1.700 người.

“Chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện thêm các hành động chống lại những người chủ mưu bạo lực và trấn áp ý chí của nhân dân", Reuters dẫn lời của ông Blinken nhấn mạnh.

Trong số các công ty bị Mỹ trừng phạt có A&M Mahar do Aung Pyae Sone điều hành. Theo "Công lý cho Myanmar", một nhóm hoạt động phản đối quân đội Myanmar, các công ty dược phẩm nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Myanmar đều phải nhờ "chìa khóa" A&M Mahar.

"Ông ta đã lạm dụng quyền lực để làm lợi cho gia đình mình", nhóm "Công lý cho Myanmar" cáo buộc hồi tháng 1-2021. Ông John Sifton, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, ca ngợi động thái của Bộ Tài chính Mỹ vì đã "đánh trực tiếp vào sự giàu có của tướng Min Aung Hlaing", nhưng kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn.

"Đây không phải là loại hành động trừng phạt mà chúng tôi tin rằng sẽ dẫn đến thay đổi hành vi. Chúng tôi khuyến nghị Mỹ tập trung vào các nguồn thu lớn hơn nhiều và nếu cắt bỏ sẽ gây đau đớn hơn nhiều cho quân đội Myanmar với tư cách là một tổ chức", ông Sifton nêu quan điểm.

Tính đến thời điểm hiện tại Mỹ vẫn chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar Economic Corporation (MEC) và Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL), hai trong số những tập đoàn được quân đội sử dụng để kiểm soát nền kinh tế rộng lớn của đất nước, theo Reuters.

Tác giả: BẢO DUY

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP