Bộ Thương mại Mỹ hôm 11/2 ban hành lệnh trừng phạt với 10 quan chức quân đội Myanmar chịu trách nhiệm vụ đảo chính hôm 1/2. Trong số này có Thống tướng Min Aung Hlaing - người hiện nắm quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp ở Myanmar và Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo.
Các tướng lĩnh có tên trong lệnh trừng phạt sẽ bị cấm giao dịch thương mại với các công ty Mỹ, các tài sản đang sở hữu trên lãnh thổ Mỹ sẽ bị đóng băng.
Thống tướng Min Aung Hlaing. (Ảnh: Reuters) |
"Chúng tôi cũng chuẩn bị hành động bổ sung nếu quân đội Myanmar không thay đổi hướng đi. Nếu có thêm bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, quân đội Myanmar sẽ thấy các biện pháp trừng phạt hôm nay chỉ là bước đầu tiên", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết.
Suốt một tuần qua, người biểu tình đổ xuống các con phố ở Myanmar, phản đối cuộc đảo chính của quân đội và kêu gọi trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
Theo AFP, lực lượng an ninh Myanmar sử dụng hơi cay, vòi rồng, đạn cao su để giải tán các đám đông biểu tình.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 11/2, Tổng thống Biden cho biết đã phê chuẩn một sắc lệnh mới cho phép Mỹ "lập tức trừng phạt các lãnh đạo quân sự đã chỉ đạo cuộc đảo chính, trừng phạt các lợi ích kinh tế liên quan của họ cũng như các thành viên gia đình họ". Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định Washington đang thực hiện các bước nhằm ngăn các tướng lĩnh này tiếp cận với 1 tỷ USD trong các quỹ Chính phủ Myanmar đang được giữ ở Mỹ.
Tại châu Âu, một số quốc gia hoan nghênh bước đi này của chính quyền Biden. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh London sẽ yêu cầu những người chịu trách nhiệm giải trình.
Trong khi đó, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cũng cảnh báo EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với quân đội Myanmar.
Cố vấn nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao của NLD hôm 1/2 bị quân đội bắt giữ với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020.
Quân đội Myanmar sau đó ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và trao quyền lực cho Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing.
Hôm 8/2, Thống tướng Aung Hlaing cam kết trao trả quyền lực sau bầu cử, đồng thời kêu gọi công chúng ưu tiên sự thật thay vì hành động theo cảm tính. Vị Tổng tư lệnh Myanmar tuyên bố ưu tiên cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có cả việc tiêm chủng cho toàn dân.
Tác giả: SONG HY (Nguồn: AFP)
Nguồn tin: Báo VTC News