Gửi thắc mắc tới Bộ Công an, cử tri tỉnh Bình Dương bày tỏ thái độ đồng tình và ủng hộ chủ trương chuyển đổi hình thức quản lý hộ khẩu bằng giấy (sổ hộ khẩu) sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân (chứng thư số). Việc thay đổi hình thức quản lý sổ hộ khẩu sẽ giảm bớt được rất nhiều các thủ tục hành chính góp phần cải cách hành chính.
Nhằm thực hiện được việc chuyển đổi hình thức quản lý hộ khẩu, cử tri đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng cần công khai lộ trình và các biện pháp phù hợp để triển khai chứng thư số trên phạm vi toàn quốc để nhân dân được rõ. Trong quá trình chuyển đổi từ Chứng minh nhân dân sang chứng thư số phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan đến các thủ tục (hành chính, ngân hàng, thuế, …) trước đây sử dụng Chứng minh nhân dân.
Người dân làm thủ tục cấp đổi Căn cước công dân tại Công an Hà Nội. |
Trả lời cử tri Bình Dương thông qua Cổng thông tin điện tử (www.mps.gov.vn), Bộ Công an cho biết, ngày 30/10/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ đã thông qua phương án của Bộ Công an về việc bãi bỏ các thủ tục về hộ khẩu, giấy Chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân (chứng thư số); giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Dự kiến đến năm 2020, Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đưa vào sử dụng”- Bộ Công an cho hay.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công an đã tổ chức khảo sát đối với các vùng miền để đánh giá toàn bộ cơ sở hạ tầng, chất lượng dữ liệu thông tin cũng như trình độ cán bộ, trình độ dân trí để đưa ra phương pháp tổ chức triển khai phù hợp với từng địa bàn.
“Bộ Công an xin tiếp thu kiến nghị của cử tri để áp dụng trong quá trình triển khai chứng thư số trên phạm vi toàn quốc nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan đến các thủ tục hành chính”- Bộ này nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí trước đó, lãnh đạo Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72)- Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, kinh phí của dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khoảng hơn 3.000 tỷ, thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Quốc hội, Chính phủ sẽ ưu tiên kinh phí triển khai.
Hệ thống kỹ thuật sẽ được đầu tư từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện và hơn 11.000 xã phường thị trấn, cùng nhiều hệ thống phần mềm, quản trị, đào tạo cho hệ thống nhân lực khổng lồ.
Bộ Công an sẽ huy động toàn bộ lực lượng quản lý hành chính đang trực tiếp thực hiện công tác đăng ký quản lý cư trú, cấp Chứng minh nhân dân để thu thập thông tin từ Trung ương đến cảnh sát khu vực, công an xã. Lực lượng này sẽ là những người tổ chức phát phiếu, hướng dẫn kê khai, thu phiếu và xác thực.
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phối hợp với Bộ Công an tổ chức triển khai, vì đây là hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung chứ không phải có sở dữ liệu riêng của Bộ Công an.
Dự kiến đến năm 2019 Bộ Công an mới hoàn thành thu thập thông tin của trên 90 triệu dân, cấp số định danh cá nhân, triển khai hạ tầng từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí